Trang Army-technology đã xếp hạng 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất. Trong top 10 này, Nga chiếm đến 5 loại.
1. R-36M (SS-18 Satan), Nga -16.000 km
Đúng như tên gọi “Quỷ sa tăng”, R-36M của Nga đứng top 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn xa nhất thế giới. Đây cũng là ICBM nặng nhất thế giới với trọng lượng phóng lên đến 209 tấn. R-36M là ICBM mang nhiều đầu đạn hạt nhân độc lập nhất với khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau.
2. DF-5A (CSS-4), Trung Quốc-13.000 km
Đây là ICBM lớn nhất từng được chế tạo tại Trung Quốc và đứng thứ 2 thế giới về kích thước và trọng lượng sau R-36M của Nga. DF-5A có trọng lượng phóng tới 183 tấn. Dù chế tạo theo công nghệ lạc hậu nhưng DF-5A đứng thứ 2 nhờ đạt được tầm bắn lên đến 13.000 km. DF-5A là ICBM đầu tiên của Trung Quốc có khả năng vươn tới nước Mỹ.
3. R-29RMU Sineva (RSM-54), Nga - 11.547 km
ICBM này chính là trụ cột cho sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển của Nga đến năm 2030. Tên lửa được giới thiệu lần đầu vào năm 2007. Sineva là một phần sức mạnh của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-IV. Sineva được dẫn hướng nhờ sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, giúp tên lửa có độ chính xác rất cao.
4. UGM-133 Trident II (Trident D5), Mỹ - 11.300 km
Đây là loại ICBM chủ lực trên các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ đến năm 2042. Trident II có thể mang theo 8 đầu đạn hạt nhân độc lập tấn công 8 mục tiêu khác nhau.
5. DF-31A, Trung Quốc - 11.200 km
DF-31A là loại ICBM mới nhất của Trung Quốc được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2006. ICBM này được đánh giá là bước đột phá mới của Trung Quốc về công nghệ tên lửa của nước này.
6. RT-2UTTKh Topol-M, Nga - 11.000 km
Topol-M là ICBM cơ động mạnh nhất trong kho tên lửa ICBM của Nga. Topol-M được trang bị công nghệ dẫn hướng tiên tiến với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GLONASS giúp tên lửa có độ chính xác rất cao. ICBM này được trang bị 6 đầu đạn hạt nhân cùng hệ thống mồi bẫy được thiết kế gần như miễn nhiễm với hệ thống đánh chặn của Mỹ.
7. Minuteman III (LGM-30G), Mỹ - 10.000 km
Minuteman III là ICBM duy nhất trong kho tên lửa ICBM phóng từ đất liền của Mỹ. Tên lửa này được phóng từ các giếng phóng cố định trong lòng đất. Điều làm nên sức mạnh hủy diệt đáng sợ của tên lửa này là ngoài tầm bắn xa, nó còn được trang bị công nghệ dẫn hướng tiên tiến với độ chính xác rất cao với 3 đầu đạn hạt nhân có khả năng hủy diệt mọi mục tiêu.
8. M51 ICBM, Pháp - 10.000 km
M51 là ICBM mới nhất được phát triển tại Tây Âu. Tên lửa này là thành phần chủ chốt của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Triomphant cùng là “nắm đấm hạt nhân” trên biển của hải quân Pháp. M51 gia nhập lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp từ năm 2010. Nó được trang bị 6 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 100Kt.
9. UR-100N (SS-19 Stiletto), Nga - 10.000 km
UR-100N là ICBM thế hệ thứ 4 của Nga được đưa vào sử dụng từ năm 1975 và được dự định kéo dài thời gian sử dụng đến năm 2030. ICBM này được phóng từ các giếng phóng cố định trong lòng đất. Nó có khả năng mang theo 6 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ 550Kt/đầu đạn.
10. RSM-56 Bulava, Nga - 10.000 km
Bulava là tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm mới nhất của Nga, gắn liền với sự ra đời của dự án tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei. Bulava cùng với Sineva là nắm đấm hạt nhân trên biển của Nga đến năm 2040. Mặc dù sự phát triển của ICBM này gặp khá nhiều rắc rối với rất nhiều thử nghiệm thất bại nhưng tên lửa này sẽ là thành phần không thể thiếu trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Borei.
Trang Vũ (tổng hợp)