Tin mới

Máy bay Indonesia rơi làm rung chuyển làng chài nhỏ

Thứ ba, 12/01/2021, 16:20 (GMT+7)

Ngư dân Hendrik Mulyadi đang kiểm tra bẫy cua của mình thì nghe thấy một tiếng nổ lớn trên mặt nước gần đó. Biển cả đột ngột nổi sóng, nâng chiếc thuyền của anh lên khi khói bao trùm cả bầu không.

"Tôi thật may mắn khi nó không trúng mình", Hendrik Mulyadi nhớ lại. "Nó như một tia chớp vậy, rất nhanh. Khi va chạm mặt nước, nó phát nổ. Tôi đã thấy những mảnh vỡ trôi nổi. Đó là những mảnh vỡ của máy bay".

Hendrik, ngư dân 30 tuổi này chính là một trong 5 người đánh bắt cua trên biển vào chiều 9/1 khi chuyến bay 182 của hãng Sriwijaya Air bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh. Chiếc Boeing 737 chở 62 người trong đó có 10 trẻ nhỏ. Máy bay lao xuống biển Java, cách nơi anh Hendrik đang bắt cua chỉ hơn 90m.

Bình thường, Lancang là một hòn đảo yên bình, tương đối ít du khách nhưng giờ đây trở thành căn cứ cho hoạt động tìm kiếm và trục vớt máy bay của Basarnas (một công ty tìm kiếm cứu nạn của Indonesia). Địa điểm máy bay rơi nằm cách rừng ngập mặn, dừa và chuối của đảo chưa đến 1 dặm. Những người dân trên đảo giờ đây có thể nhìn thấy hàng chục con tàu ngoài khơi để tìm kiếm những gì còn lại của máy bay và phục hồi hộp đen.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm hộp đen máy bay rơi. Ảnh: Internet

Chuyến bay Sriwijaya này là chiếc máy bay chở khách thứ 3 bị rơi trên biển Java trong vòng hơn 6 năm qua sau khi khởi hành từ các sân bay trên đảo. Chuyến bay 8501 của Air Asia, chở 162 người khi đang trên đường từ Surabaya đến Singapore đã lao xuống biển Java ngoài khơi Borneo vào tháng 12/2014. Các nhà điều tra cuối cùng kết luận tai nạn là do lỗi của một bộ phận quan trọng và phản ứng không phù hợp của tổ bay.

Vào tháng 10/2018, chuyến bay 610 của hãng Lion Air đã lao xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh. Trên máy bay có 189 hành khách và phi hành đoàn. Hệ thống chống chết máy đã gặp trục trặc khiến chiếc Boeing 737 gặp nạn.

Lancang nằm trong Quần đảo ngàn đảo, với khoảng 110 đảo và nằm rải rác trên biển Java, phía bắc Jakarta. Một số hòn đảo nằm ở những địa điểm nghỉ dưỡng phong cách còn Lancang gần như chỉ dành cho việc đánh bắt hải sản.

"Kể từ sau vụ rơi máy bay Lion Air, tôi thường nghĩ khi ở trên biển và nhìn thấy một chiếc máy bay bay qua, nếu một chiếc máy bay rơi ở đây thì sao?", anh Hendrik đề cập. "Có rất nhiều ngư dân ở đây. Chúng tôi sẽ chết".

Với chiều dài chưa đầy một dặm, rộng 1/3 dặm, đảo Lancang là nơi cư trú của khoảng 2.100 người, hầu hết đều là ngư dân. Khu dân cư nhỏ, phần lớn là đạo Hồi này chỉ cách Jakarta khoảng 24km về phía đông bắc và là một trong những đảo thuộc Quần đảo Nghìn đảo gần sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta nhất.

Trên đảo không có bất cứ phương tiện nào, người dân chỉ có thể đi bộ hoặc xe máy. Đường cao tốc chính chỉ có một làn đường và chỉ mất chưa đầy một giờ để đi bộ ngang qua đảo.

Có rất ít người dân trên đảo từng được đi máy bay. Vào những ngày trời quang, họ sẽ thấy chúng bay trên đầu khi cất cánh từ Jakarta để đi về phía bắc. Tuy nhiên, anh Hendrik nói mình không thể đoán trước được những gì đã xảy ra vào ngày 9/1. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một vụ tai nạn máy bay có thể xảy ra ở đây", anh nói.

>> Xem thêm: Đã tìm thấy 'dấu vết' nghi của chiếc máy bay Boeing 737-500 của Indonesia chở hơn 60 hành khách mất tích bí ẩn

Trưởng làng của đảo, ông Mahtum, 47 tuổi nói rằng những hộ gia đình trên đảo sinh sống dễ dàng. Lancang gần như không bị Covid-19 tác động, đến nay mới chỉ có 3 ca nhiễm được phát hiện. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại bị ám ảnh bởi sóng thần. Vụ máy bay rơi ngày hôm đó khiến nhiều người dân lo sợ một trận đại hồng thủy sắp ập tới.

Khi chiếc máy bay rơi xuống biển, nó ở gần hòn đảo đến nỗi làm vỡ cửa sổ các ngôi nhà. Ngư dân Sahapi đang ở trên biển khi thảm họa xảy ra. Ông nghe thấy một vụ nổ cực lớn, cảm giác như đại dương muốn nuốt chửng con thuyền của mình và có những tia sáng màu vàng và tím bên dưới sàn nhà. "Tôi đã nhìn thấy những mảnh vỡ trong nước dâng lên. Khói đen dày đặc bao trùm không khí và mưa lớn. Nước có màu vàng và đỏ", ông nói.

Lúc đầu, ông nghĩ có thể đó là sóng thần nhưng sau đó phát hiện thuyền của anh Hendrik đang ở gần vị trí vụ nổ. "Tôi sợ mình bị sóng cuốn nhưng sau đó nhìn trái nhìn phải thì không thấy thuyền của bạn mình đâu. Tôi không nghe thấy tiếng chiếc máy bay nào cả".

Ông Sahapi vội vã đi trình báo việc anh Hendrik mất mạng còn Hendrik thì trở lại để trình báo vụ máy bay rơi.

Đến 10/1, đội tìm kiếm đã xác định được vị trí hộp đen của máy bay và hy vọng sẽ sớm thu hồi. Nhưng có thể phải mất nhiều tháng các nhà điều tra mới xác định được nguyên nhân máy bay rơi.

(Theo New York Times)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news