Chi phí đóng 2 khí tài đắt nhất trên thế giới gồm siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Hải quân Mỹ và HMS Queen Elizabeth của Anh vượt nhiều lần con số tính toán ban đầu.
Siêu tàu sân bay USS Gerald Ford: 13 tỷ USD. USS Gerald Ford của Mỹ có chiều dài 337 m và radar gần như không thể phát hiện nó. Tàu có khả năng phóng 220 máy bay từ các đường băng kép trong cùng một ngày. Chi phí đóng tàu đã vượt quá 3 tỷ USD so với ước tính ban đầu, chủ yếu do sự chậm trễ trong quá trình sản xuất và việc cài đặt hàng loạt công nghệ quân sự tối tân |
Tàu khu trục tàng hình DDG-1000 lớp Zumwait: 7 tỷ USD. Chi phí ban đầu cho tàu DDG-1000 là 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số đã tăng vọt sau khi Hải quân Mỹ trang bị đầy đủ các công nghệ tiên tiến nhất cho nó, gồm hệ thống tự động hóa và súng điện từ |
Siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth: 9,3 tỷ USD. Đây là tàu chiến lớn nhất của Vương quốc Anh, nặng 65.000 tấn, dài 280 m, rộng 70 m và sức chứa 1.600 thủy thủ cùng nhân viên. Tàu có tầm hoạt động tới 10.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu. Chi phí đóng tàu trên thực tế đã vượt gấp đôi tính toán ban đầu, chủ yếu do liên quan tới việc thiết kế chế độ tự động hóa nhằm tạo ra một chiến hạm lớn chỉ chở 679 người |
Tàu ngầm tấn công hạt nhân HMS Astute: 5,5 tỷ USD. Đây là tàu ngầm hạt nhân đắt nhất trong lịch sử Hải quân Anh. Nó có thể mang theo 12 tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn hơn 1.000 km. Ngoài ra tàu còn có ngư lôi Spearfish và mìn. Lò phản ứng hạt nhân trên tàu cho phép nó có thể hoạt động suốt 25 năm mà không cần thay thế nhiên liệu |
Tàu sân bay Charles de Gaulle: 4 tỷ USD. Tàu gồm hai lò phản ứng hạt nhân có thể sản xuất khoảng 117.000 KW điện cùng các máy phát điện chạy bằng tua bin. Charles de Gaulle có thể mang theo 40 máy bay cùng 1.900 nhân viên. Hồi đầu tháng 1/2015, nước Pháp cho hay họ sẽ điều siêu tàu sân bay này tới Vịnh Ba Tư để hỗ trợ chiến dịch ném bom của liên minh đa quốc gia chống Nhà nước Hồi giáo (IS) |
Tàu đổ bộ tấn công USS America: 3,4 tỷ USD. Đây là một trong số những tàu chiến mới nhất của Hải quân Mỹ. Nó có chiều dài 281 m, rộng 35 m, lượng giãn nước 50.000 tấn. 34 máy bay, gồm 10 cường kích được bố trí thích hợp trên boong rộng 8.000 m2 |
Tàu ngầm lớp Virginia: 2,5 tỷ USD. Đây là loại tàu ngầm có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như tàng hình hay tham gia các trận chiến ở vùng nước nông và sâu. Tàu ngầm lớp Virginia hỗ trợ biệt đội Hải quân SEAL trong nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu. Lò phản ứng hạt nhân cùng hai động cơ phản lực và một máy bơm tạo ra hơn 29 MW điện |
Tàu chiến Varyag: 2,4 tỷ USD. Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, tàu chiến Varyag được chuyển giao cho Ukraine khi mới hoàn thành 70%. Sau đó, một công ty Trung Quốc đã mua lại Varyag, lúc đó chưa có động cơ hoặc bánh lái, với giá chỉ 20 triệu USD nhằm biến nó thành sòng bạc nổi. Tàu chiến của một siêu cường cũ, với thiết kế kiểu nhảy cầu cho máy bay cất cánh, neo đậu ở thành phố cảng Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc. Ở đó, nó dần dần được nâng cấp và trở thành tàu sân bay đầu tiên của nước này, với tên gọi Liêu Ninh |
Máy bay B-2 Spirit: 2,4 tỷ USD. Đây là máy bay ném bom tầm xa do Mỹ sản xuất. Vỏ của máy bay được thiết kế để chống radar và bức xạ trong trường hợp một cuộc tấn công hạt nhân xảy ra. Kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 được áp dụng nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đây không thể vượt qua |
Tàu sân bay INS Vikramaditya: 2,3 tỷ USD. INS Vikramaditya có chiều dài 283 m, rộng 31 m, lượng mớn nước 8,2 m; lượng choán nước 45.000 tấn. Tàu sở hữu tốc độ tuần tra 18 hải lý/h, tối đa 32 hải lý, phạm vi hoạt động lên đến 13.500 hải lý (tương đương 25.000 km). Tàu sân bay của Ấn Độ có thể chứa 1.600 tới 2.000 nhân viên, hơn 30 máy bay chiến đấu, trực thăng và nhiều loại máy bay khác |
P.V (tổng hợp)