Ngày 28/6/2015, một nhóm khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ Đảng đối lập Campuchia CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Trước hành động sai trái này, lực lượng chức năng Việt Nam và một số người dân địa phương đã ra ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích người Campuchia tấn công, khiến 07 người Việt Nam bị thương.
Sau sự việc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói:
“Chúng tôi phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Cam-pu-chia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. |
Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị hợp tác toàn diện với Campuchia, mong muốn phát triển đường biên giới Việt Nam – Campuchia hòa bình, hữu nghị.
Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc, không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước”.
Trong một diễn biến khác liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trước đó, ông Lê Hải Bình đã có những phát biểu khẳng định rõ về mặt chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo đó, ông Bình phản bác lại những luận điệu mà Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, trong đó cho rằng việc xây dựng các đảo đá, bãi tại Biển Đông là “trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”, “hợp pháp, hợp lý, hợp tình”.
“Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ.
Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh.
- Thuận Phong