Đi được nửa đường thì phát hiện quên tài liệu, người đàn ông quay về nhà và bắt gặp cảnh tượng không mong muốn. Anh lao vào bếp lấy dao phay định kết thúc tất cả.
Cuộc "chạm trán" giữa nhà sư và người đàn ông
Có một hôm, nhà sư nọ đang định mở cửa ra ngoài thì một người đàn ông lực lưỡng lao đến. Trong chớp nhoáng chỉ nghe thấy tiếng "uỵch", người đó va ngay vào kính của của nhà sư, mắt kính đập vào mắt ông, rồi rơi xuống đất vỡ vụn.
Khi đó người có khuôn mặt đầy râu kia chẳng hề áy náy, còn lớn tiếng quát: "Ai bảo ông đeo kính?"
Lúc này nhà sư nghĩ: "Phật pháp trên thế gian đa phần sinh ra do nhân duyên hòa hợp, có duyên thiện cũng có duyên ác, con đường giải trừ duyên ác là chỉ có đối xử từ bi. Vì vậy, nên mang tấm lòng vui vẻ cởi mở ra đón nhận sự thực này."
Anh râu rậm thấy nhà sư mỉm cười đáp lại sự vô lý của mình thì ngạc nhiên hỏi: "Này! Hòa thượng, tại sao ông không tức giận?"
Nhà sư nhân cơ hội này nói: "Tại sao nhất định phải tức giận? Tức giận đã không thể làm chiếc kính vỡ lành trở lại mà còn không thể lập tức làm tan biến vết thâm trên mặt, giải trừ khổ đau. Hơn nữa, tức giận chỉ làm cho sự việc lớn thêm.
Nếu bần tăng tức giận, lớn tiếng mắng mỏ thí chủ hay là cư xử thô bạo thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tai nghiệt và duyên ác hơn, thậm chí làm bản thân bị thương mà vẫn không thể giải quyết được sự việc.
Lấy nhân duyên quả báo của thế gian để nhìn nhận chuyện này, bần tăng mở cửa sớm một phút hoặc chậm một phút thì đều có thể tránh được cú va, nhưng chúng ta đã va vào nhau thì có lẽ như vậy là hóa giải ác duyên trong quá khứ của hai ta.
Vì vậy, bần tăng không những không tức giận mà còn muốn cảm ơn thí chủ đã giúp mình tiêu trừ tai nghiệt."
Người này nghe xong vô cùng cảm động, anh ta hỏi rất nhiều về phật pháp và pháp hiệu của nhà sư, sau đó rời đi khi đã ngộ ra.
Chuyện này đã qua rất lâu rồi. Một hôm nhà sư nọ nhận được một phong thư có kèm 5.000 nhân dân tệ tiền mặt. Hóa ra đó là lá thư của người đầy râu kia gửi, trong thư viết:
"Sư phụ Từ Giám!
Vô cùng cảm tạ người. Hôm đó tôi va vào sư phụ nhưng lại cứu được 3 mạng người. Chuyện là thế này:
Hồi trẻ, tôi vốn không biết chăm chỉ làm việc, sau khi tốt nghiệp, sự nghiệp cao không tới, thấp không thông khiến bản thân vô cùng buồn phiền, thường thấy tiếc cho chính mình.
Sau khi kết hôn, tôi cũng không biết đối tốt với vợ, thường hay trút giận lên cô ấy.
Có một hôm, tôi đi làm quên không mang theo cặp tài liệu nên đang đi giữa đường thì quay về nhà lấy. Không ngờ tôi phát hiện ra vợ mình và một người đàn ông đang cười nói trong nhà.
Vô cùng tức giận, tôi lao vào bếp cầm con dao phay xông ra định giết hai người đó rồi tự vẫn cho kết thúc tất cả.
Nào ngờ, gã kia sợ hãi ngoái đầu lại, mắt kính rơi xuống đất, lúc đó tôi chợt nhớ đến lòng từ bi của sư phụ.
Câu nói "Tức giận không thể giải quyết được vấn đề" của người đã giúp tôi bình tĩnh lại. Tôi nghĩ: Vợ lầm lạc, trách nhiệm cũng thuộc về mình.
Bởi vì trước đây tôi thực sự không nên lạnh nhạt với cô ấy. Qua chuyện này, tôi đã ngộ ra rất nhiều đạo lý đối nhân xử thế, cũng không nổi cáu và liều lĩnh nữa.
Giờ đây, cả nhà chúng tôi sống rất hòa thuận, cuộc sống mỹ mãn, công việc cũng thuận lợi hơn nhiều.
Sự khai sáng của sư phụ đã thay đổi nhân sinh quan của tôi. Để cảm tạ ân đức của người, tôi gửi kèm 5.000 nhân dân tệ, 2.000 tệ để đền chiếc kính của sư phụ, 3.000 tệ để hóa giải ác nghiệp của bản thân."
Lời bình
Người và người tiếp xúc với nhau khó tránh khỏi va chạm nhưng tất cả đều phải nhớ rằng: Tức giận không thể giải quyết được vấn đề.
Nhà sư vui vẻ đón nhận khổ nạn, người không những hóa giải được một ác duyên mà còn làm thức tỉnh một người lỗ mãng, giúp anh ta gặp chuyện có thể tự xem xét lại bản thân, bình tĩnh xử lý tình huống bất ngờ gặp phải, tránh được điều đáng tiếc, đón nhận cuộc sống tốt đẹp.
Tức giận chỉ là cách bạn tự trừng phạt bản thân mình mà thôi.
Phần lớn người lương thiện sẽ không vì tức giận mà cầm gậy đánh kẻ khác hay là giấu dao trong áo khoác đi đâm người ta, thậm chí là sau khi nổi giận, họ còn buồn bã hối hận: "Tôi nên nhẫn nhịn chút nữa; Vừa rồi tôi không nên lớn tiếng quát mắng…" hoặc là tự xem lại mình: "Có phải mình cũng có chỗ nào không đúng không?"
Thậm chí vì vậy mà tự trách bản thân: "Không thể nhẫn nhịn thêm một chút là lỗi của mình." Bởi vì phần lớn nội tâm của con người đều lương thiện, xuất phát điểm cũng là có ý tốt.
Lẽ nào là bởi vì nội tâm của mỗi chúng ta đều tích lũy rất nhiều cảm xúc tức giận sao? Cho dù chồng cứ uống say là thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì cũng nhẫn nại không ly hôn, nghĩ rằng: "Vì các con, mình phải nhẫn nhịn mới được."
Kết quả cuối cùng là dồn ép bản thân. Người đi làm thì nhẫn nhịn cấp trên luôn buông lời phỉ báng, nghĩ rằng: "Mình không muốn bị đuổi việc, phải nhẫn nại mới được."
Đối diện với vị khách khó chiều tự cho mình là vua, sai khiến người khác như quần thần, bạn véo đùi ép bản thân mỉm cười: "Nếu tranh luận với anh ta rồi xảy ra chuyện thì sẽ càng phiền phức."
Trong xã hội, những người không ngừng kìm chế cơn giận như nói ở trên nhiều không đếm xuể. Còn những người ôm cơn thịnh nộ thì sẽ bùng nổ cảm xúc ở đâu?
Nghĩ đi nghĩ lại, từ khi nào, chúng ta bắt đầu trở thành con người vì chút chuyện vặt mà phải đấu lý, chịu thiệt một chút là đòi cãi nhau một trận, cứ khăng khăng tranh luận đến cùng để đòi lại cái lợi mà bản thân nghĩ mình xứng đáng có được.
Nếu chỉ nghĩ rằng "nhẫn nhịn một chút thì sẽ chịu thiệt" thì ý nghĩ đó sẽ lan rộng như bệnh truyền nhiễm lúc nào không hay.
Chúng ta giống như người trúng độc rất dễ dàng nổi nóng, gặp chút kích động là không kìm được nổi xung lên, dường như có cảm giác chỉ cần trút giận lên người khác là có thể tạm thời giải quyết được vấn đề cảm xúc, mà cũng có thể nhân cơ hội khống chế kẻ khác.
Lâu dần, mỗi khi chỉ cần cảm thấy thất vọng hay yếu đuối bất lực thì đều quen dùng cách nổi cáu để giải quyết vấn đề; khi bị áp lực, cũng sẽ nổi xung lên để trút ra ngoài.
Nếu gặp chuyện mà tức giận thì không những làm cho cảm xúc xấu đi ngay từ đầu mà còn làm tổn thương ngũ tạng.
Tức giận không thể giải quyết được vấn đề mà còn khiến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, dẫn đến nhiều vấn đề hơn.
Tức giận sẽ chỉ khiến trí tuệ của bản thân giảm xuống, làm đôi mắt mờ đi, không nhìn rõ được vấn đề tồn tại trong sự việc; không nổi cáu thì ngược lại có thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, không nổi giận, đầu óc càng tỉnh táo, như thế mới có thể nghĩ ra được cách giải quyết vấn đề.
Khi gặp chuyện gì, trước tiên hãy nghĩ rằng "tức giận không thể giải quyết được sự việc", chỉ cần bản thân có thể bình tĩnh lại vài ba giây, kết quả tiến triển của sự việc sẽ khác nhau rất lớn.