Người đứng đầu Nghị viện châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang có nguy cơ tan rã trong vòng 10 năm tới do cuộc khủng hoảng di dân.
Người đứng đầu Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết, EU đang gặp nguy hiểm vì các quốc gia thành viên đều đang cố gắng để tách xa nhau.
Tuyên bố này được đưa ra để đáp lại cảnh báo gần đây của Jean Asselborn, Bộ trưởng Di trú và Tị nạn Luxembourg, rằng liên minh có thể bị phá vỡ.
"Không ai có thể nói rằng liệu EU có còn tồn tại trong thời gian 10 năm tới hay không. Nếu chúng ta muốn duy trì EU thì chúng ta sẽ phải đấu tranh cật lực cho nó".
Người đứng đầu Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo EU sẽ sụp đổ trong 10 năm tới do tồn tại những mâu thuẫn trong vấn đề di cư. Ảnh: Express |
Ông không nói chính xác những mối de dọa nào đang xảy ra với EU, nhưng chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư - vấn đề khiến quan hệ giữa các thành viên EU căng thẳng và gây nhiều áp lực cho mỗi quốc gia.
Theo người đứng đầu Nghị viện châu Âu, EU sẽ không thể tồn tại được nếu không có giải pháp thích hợp và "đảo ngược tình thế". Ông cũng cảnh báo tình trạng một số nước đang cố gắng rời khỏi khu vực tự do mà hiệp ước Schengen quy định - cái tạo ra một châu Âu phi dân tộc, phi biên giới và không có rào cản.
"Điều đó sẽ đẩy châu lục của chúng ta rơi vào thảm họa", ông Schulz nói.
Hiện nay, hàng nghìn người di cư từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, đang tràn về châu Âu. Một trong những điểm đáng chú ý là mâu thuẫn giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel - người chủ trương tiếp nhận nhiều hơn nữa công dân Syria, và các nhà lãnh đạo phong trào cộng sản ở Đông Âu trước đây - những người phản đối tiếp nhận người tị nạn, càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Dòng người tị nạn đổ về châu Âu với mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: Express |
Nước Anh đã từ chối tham gia một hệ thống hạn ngạch dành cho người tị nạn đến châu Âu vốn đã được EU thông qua, mà thay vào đó, họ sẽ cung cấp nhà ở cho những người tị nạn Syria đang tá túc trong các trại tị nạn của Cao úy Liên Hợp Quốc ở vùng biên giới Syria, chứ không phải những người đang trú tạm tại thị trấn cảng Calais của Pháp hay tại các địa điểm khác ở Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary….
Anh cũng không tham gia hiệp ước Schengen, nơi người dân châu Âu được miễn hộ chiếu khi đi lại giữa các nước trong khu vực, khiến việc kiểm soát biên giới của các nước khó khăn hơn.
Chỉ trong năm nay, hàng nghìn người tị nạn đã đặt chân đến thành phố biển Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: Express |
Hôm 3/12, Hy Lạp - điểm đến đầu tiên của những người tị nạn trên hành trình đặt chân đến miền đất hứa châu Âu, đã yêu cầu châu Âu hỗ trợ đảm bảo biên giới và quan tâm đến những người di cư, xoa dịu những mối đe dọa từ các đồng minh châu Âu trong tình huống họ không còn kiểm soát được.
Ông Schulz nhấn mạnh rằng không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được những thách thức mà cuộc khủng hoảng di cư đặt ra. Điều đó đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực của một châu Âu thống nhất.
Lê Huyền (Express)