Vào ngày 30/6 năm nay, thế giới sẽ nhận được một món quà thời gian: 1 giây thêm vào ở thời khắc cuối cùng.
Vào thời điểm cuối cùng, 23 giờ 59 phút 59 giây, đồng hồ nguyên tử, đảm bảo giờ chuẩn UTC, sẽ nhảy tiếp sang giây 60. Như vậy, ở phút cuối cùng này sẽ có tới 61 giây. Ngày 1/7 sẽ được tiếp nối bình thường ngay sau đó, với thời khắc đầu tiên là 0 giờ 0 phút 0 giây.
[mecloud]gTybhtOylV[/mecloud]
UTC là gì? Đó là Giờ Phối hợp Quốc tế, một chuẩn quốc tế về ngày giờ đo bằng phương pháp nguyên tử. UTC không phải một từ viết tắt, mà là sự kết hợp giữa viết tắt tiếng Anh "CUT" (Coordinated Universal Time) và viết tắt tiếng Pháp "TUC" (temps universel coordonné).
Tại sao phải rắc rối đặt thêm 1 giây? Vì mục đích đồng bộ giữa đồng hồ nguyên tử với đồng hồ thiên văn.
Tại sao cần đồng bộ? Giải thích điều này cần dài dòng hơn một chút.
Đồng hồ nguyên tử, được tổ chức Đo lường thế giới áp dụng từ năm 1967 do sự phát triển của máy tính và Internet, dẫn đến nhu cầu về một công cụ đo thời gian với độ chính xác cực kỳ cao.
Đồng hồ nguyên tử chạy chính xác hàng trăm triệu năm không sai một giây (bây giờ đã có đồng hồ chính xác tới 15 tỷ năm), còn Trái đất, được tính toán mất 86.400 giây để hoàn thành một vòng quay 360 độ quanh trục, lại không phải lúc nào cũng chạy đúng răm rắp. Do tư thế nghiêng, do lực hút từ Mặt trăng, Mặt trời và thủy triều lớn, thành ra lâu lâu Trái đất của chúng ta lại lỡ nhịp mất 1 giây.
Lần thêm giây nhuận năm 2012 từng khiến các chương trình mạng như Mozilla, Reddit, Foursquare, Yelp, LinkedIn hay StumbleUpon gặp trục trặc |
Sự lỡ nhịp này dẫn đến việc buộc phải đồng bộ 2 đồng hồ trên với nhau. Tác hại xa nhất của nó là sau 100 năm, sự chênh lệch sẽ tăng lên… 2 phút. Và sau 1.000 năm, là… 17 phút.
Thực tế, cuộc sống chẳng thể nhận biết sự ảnh hưởng kể trên. Nhưng các nhà khoa học thì không chịu chấp nhận bất kỳ sự sai lệch nào, dù chỉ 1 giây. Vì thế mà cần đồng bộ giữa 2 hệ thống kể trên bằng cách thêm vào đồng hồ nguyên tử 1 giây nhuận.
Việc này không hề đơn giản. Nó đòi hỏi hệ thống máy tính trên toàn thế giới điều chỉnh theo. Vì nếu không còn một chuẩn chung nữa, sẽ xảy ra vô vàn sự rắc rối về sau, và sự hỗn mang của thời hiện đại có thể còn khủng khiếp hơn nhiều so với thời nguyên thuỷ.
Tuy nhiên, việc đồng bộ cũng gây đau đầu cho các nhà khoa học. Các hãng công nghệ hàng đầu thế giới phải chung tay xử lý vấn đề, nhằm giúp các hệ thống máy tính được điều chỉnh thêm 1 giây kể trên.
Điều bực bội nhất là họ không thể lập trình sẵn giây nhuận này. Ai cũng biết mỗi 4 năm có một năm nhuận, nhưng giây nhuận thì lại không dự đoán được. Và các nhà thiên văn phải theo dõi chặt chẽ hoạt động của Trái đất, cứ khi nào thấy sự chênh lệch với đồng hồ nguyên tử sắp tới khoảng 0,9 giây là lập kế hoạch… lên giờ. Thường thì người ta thông báo chỉnh giờ vào đêm 30/6 hoặc đêm 31/12.
Tính từ 1967 đến nay, lần “chỉnh giây cót” tới đây là lần thứ 26. Thế mới biết, tương lai khó đoán dường nào.
T.V (tổng hợp)