Chỉ là một tiệm bánh mì nhỏ hay một quán trà đá con cóc ở vỉa hè, nhưng chủ nhân của chúng đã thu được một lượng thu nhập “khủng”, khiến thậm chí cả các đại gia cũng … thèm thuồng.
Một tiệm bánh mì con cóc được ví von là thu nhập hơn lương bầu Đức – một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất làng chứng khoán Việt. Đó là “tiệm” bánh mỳ cô Bích (Q. Gò Vấp, TP. HCM, với một chiếc xe đẩy và một bảng hiểu khiêm tốn trên vỉa hè.
Thịt gà xé được chế biến từ ức gà, sau khi luộc chín thì xé nhỏ và xào cho rút hết nước, thịt săn lại, dai và thơm nức. Với bơ-pate, sau khi làm bơ, cô Bích phải đi chợ từ sớm để mua được gan heo còn nóng hổi, thêm vào đó là gia vị và nước sốt làm theo công thức riêng, rồi hấp lên thành pate. Sau đó trộn chung với bơ tạo nên một hỗn hợp bơ-pate đặc trưng của tiệm. Gỏi chua cũng phải tự tay cô Bích làm.
Được biết 17h30 hàng ngày là “giờ cao điểm” của quán, nhưng khách vẫn vui vẻ đứng đợi chứ không đi nơi khác. Nhiều người ở xa đến thăm Sài Gòn, nghe tiếng tiệm bánh mỳ cóc cũng tìm đến ăn thử.
Mỗi ngày, cô Bích chế biến khoảng 20 hộp bơ-pate to, 150kg thịt gà xé nhưng chỉ đến khoảng 20h là tất cả đều hết sạch mà vẫn còn khách đứng đợi. Một ổ bánh mỳ có giá 12.000 đồng, mỗi ngày tiệm bán được khoảng 2.000 ổ, thu về hơn 20 triệu đồng. Nhân với 30 ngày/tháng, dễ dàng nhân ra thu nhập của bà chủ quán bánh mì thô sơ này lên đến 600 triệu/ngày.
Cũng có mức thu nhập đáng mơ ước như tiệm bánh mì cô Bích là chủ nhân các quán trà đá vỉa hè. Bởi không đơn giản chỉ là một vài chiếc ghế, vài cốc trà đá, bao thuốc, chủ các quán cóc này còn kiêm thêm nghề môi giới bất động sản hốt bạc.
Tin tức trên Vietnamnet cho hay, chỉ ngồi bán trà đá gần khu Đại học Y Hà Nội (Tôn Thất Tùng, Đống Đa) được hơn hai năm nay nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Lực tiết lộ vợ chồng anh đã mua nhà tại Hà Nội và cuối năm nay còn định mua ôtô.
Chị Hà vợ Lực tâm sự, hai năm trước con anh đỗ vào Đại học Bách Khoa, hai vợ chồng anh bỏ ruộng, khăn gói lên Hà Nội kiếm chỗ bán trà đá lấy tiền nuôi con ăn học. Song, thu nhập từ bán trà đá chỉ đủ đóng học phí và tiền sinh hoạt cho cả gia đình.
Cũng may, ngồi bán trà được mấy tháng, vợ chồng anh bắt đầu quen dần với người dân khu vực này. Quán trà đá của anh dần trở thành nơi tụ tập, chuyện trò của rất nhiều người. Rồi, chuyện làng trên xóm dưới anh đều biết. Ai muốn bán nhà, người nào muốn cho thuê phòng trọ,... anh chủ động dẫn khách vào giới thiệu. Một thời gian sau, nhiều người tự ra quán trà của anh chị ký gửi nhà đất khi muốn bán.
Dẫn khách vào thuê trọ chỉ được 100.000-200.000 đồng nhưng dẫn mối vào mua nhà đất mà thành công thì tiền chủ nhà trả lên tới cả chục triệu. Như tháng 12 năm ngoái, anh liên tục gặp hên, dẫn khách vào xem đất mua nhà mà mối nào cũng ưng ý đặt tiền luôn. Tháng đó, anh chị đút túi ngót nghét 500 triệu đồng.
“Kém” hơn 2 món hàng trên nhưng bún đậu mắm tôm cũng là một lĩnh vực kinh doanh sinh lời “khủng”.
Thông tin trên VTC cho hay, với vốn đầu tư ít song một số cửa hàng bún đậu mắm tôm đắt khách ở Hà Nội có thể thu về số lãi 3-5 triệu đồng/ngày.
Đơn cử, quán bún đậu nổi tiếng trên đường Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội),thường khách vào quán sẽ gọi một suất đầy đủ gồm có bún, đậu rán và chả cốm có giá 30.000 đồng. Tính ra chỉ trong vài giờ đồng hồ với lượng khách ra vào khoảng trên dưới 200 người như vậy cũng có thể giúp chủ quán thu về được ít nhất từ 5 - 6 triệu đồng/ngày. Tính ra, một tháng một cửa hàng bún đậu mắm tôm đông khách cũng có mức thu nhập “hòm hòm” hơn 100 triệu/ngày.
Nam Nam