“Con người có giỏi, khả năng đặc biệt đến đâu mà không học tập, nghiên cứu mở mang kiến thức thì nó cũng nhanh chóng bị cùn đi”
Dẫn phóng viên đến kho sách cổ của mình, ông Lưu chia sẻ như vậy; đồng thời tiết lộ những câu chuyện đặc biệt liên quan “bảo tàng báu vật” này.
Ông Lưu (trái) giải thích cho phóng viên những nội dung quý trong các cuốn sách cổ này. |
Cơ duyên “đổi mắm lấy sách cổ”
Dẫn chúng tôi đến kho sách cổ mà ông được thừa hưởng từ ông nội Trần Hữu Nhiệm, ông Lưu cho biết: “Ông nội tôi cũng là một ngư dân, nhưng được học Hán tự và biết bốc thuốc. Tôi được kể lại rằng, năm 1931 có đến hàng trăm người chết vì ra khơi đánh cá, nhưng ông nội tôi may mắn thoát chết.
Từ đó, cụ bỏ nghề đi biển và học nghề bốc thuốc. Lúc đó, ngoài bốc thuốc chữa bệnh cứu người, cụ còn đi buôn mắm ở các tỉnh xa. Nhưng mục đích của cụ là đi khắp nơi để sưu tầm sách cổ”.
“Có lần đi cả tàu mắm ra Hà Nội để bán, gặp được gia đình có cuốn sách “Hải Thượng Lãn Ông toàn tâp”, không ngần ngại, cụ đổi cả thuyền mắm chỉ để lấy một cuốn sách này”, ông Lưu kể.
Cho đến ngày nay, trong kho sách của ông Lưu có đến 400 cuốn sách cổ được viết bằng tay trên nền giấy dó. Những cuốn sách này được viết bằng chữ Hán cổ thuộc nhiều lĩnh vực như: Thiên văn địa lý thế giới, đại pháp vi thư, vấn nhân, sách ngũ hành học, sách chọn ngày tốt và rất nhiều sách y học cổ (bao gồm cả sách chữ Hán và chữ Nôm).
Trong đó, có rất nhiều sách quý hiếm có niên đại từ 600 đến 800 năm, trong đó đặc biệt nhất là cuốn Đại pháp vi thư, các cuốn Thiền sơn linh từ quái, Câu đối Việt Nam toàn tập, Địa chí thế giới...
Kho sách cổ có niên đại 600 – 800 năm, quý hiếm của gia đình ông Lưu được ông bảo quản bằng thảo dược - một công trình được các nhà khoa học đánh giá cao. |
Để đọc được những cuốn sách về thuốc này, ông Lưu đã phải về nhiều địa phương, tìm học chữ Hán và học thêm của những thầy thuốc nổi tiếng ở những vùng lân cận.
Đọc được một kho sách đã là vô cùng khó khăn, nhưng làm sao bảo quản được kho sách trong thời tiết khắc nghiệt ở vùng biển thì lại là càng khó khăn hơn nữa.
Ông Lưu kể lại: "Năm 2006, một trận bão lỡn đổ vào Thanh Hóa, nước biển gây vỡ đê và tràn ngập cả vùng, nhà tôi bị ngập trong nước biển lẫn bùn đất gần một tuần liền; chỉ kịp chạy bão thoát thân nên không kịp bảo vệ tài sản trong nhà cũng như số sách cổ ấy. Đến khi nước biển rút, tôi tìm lại được những “cục” sách cổ vì nó lẫn trong đống bùn, đất nước biển".
“Lúc ấy, buồn bã và lo lắng, ngồi uống trà, tôi nghĩ rằng: Thảo dược chữa được bệnh cho người, tại sao không dùng để “chữa bệnh” cho sách cổ. Nghĩ là làm, tôi để nguyên toàn bộ những cục sách đó rửa ngâm trong nước sạch đã đun sôi nhưng vẫn lẫn đất và chữ thì không thể đọc được.
Nghĩ đến các cụ ngày xưa nhuộm vải bằng cây cỏ, tôi mới dùng các loại thảo dược để tách bùn, tách nước mặn ra khỏi sách làm sao cho sách còn nguyên vẹn, chữ không bị nhòe. Rồi tôi ngâm sách với lá mần tưới để tránh sâu mọt, trả lại mùi thơm của giấy. Đến lúc đó, tôi mới thở phào vì kho sách của mình còn nguyên vẹn. Nhưng để bảo quản lâu dài thì mỗi năm phải đem sách ra phun nước này vào và phơi một lần, có như vật mới giữ được”, ông Lưu cho biết.
Ông Lưu đã chế được bốn loại thuốc đặc biệt: Thuốc dùng khi đọc sách hoặc đi tham quan; Thuốc chống ẩm thấp và chống mối mọt; Thuốc để tẩy rửa khi sách bị ngập nước biển; Thuốc bôi và quét để bảo vệ. “Việc bảo quản sách bằng các loại thuốc thảo dược này đòi hỏi qua nhiều cung đoạn. Đối với sách bị mối mọt, sâu đục, cần phải cẩn trọng, tỉ mỉ từng khâu kỹ thuật. Vật liệu được chế biến bằng thảo dược hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường”, ông Lưu nói.
Cũng theo ông Lưu, phương pháp bảo quản sách này có nhiều ưu điểm: Thảo dược dễ kiếm, chi phí không lớn; cách chế biến không phức tạp; không gây ô nhiễm môi trường; không ảnh hưởng sức khỏe con người, ngược lại thảo dược còn chữa được một số bệnh. Về khả năng áp dụng, ông Lưu cho rằng, trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta, thư viện, kho lưu trữ sách, tài liệu dễ bị mối mọt; riêng vùng biển dễ bị nước mặn xâm lấn nên có thể dùng phương pháp này để bảo quản sách rất hiệu quả.
Tiết lộ về người thầy bí ẩn
Vừa lật giở những cuốn sách quý, ông Lưu vừa nói: “Số sách cổ này, lúc nhắm mắt xuôi tay, ông nội tôi đã căn dặn tôi cố gắng giữ gìn. Tôi biết cụ đã vô cùng vất vả mới có được số sách quý này nên tôi không bỏ sót, lãng phí một trang nào, vì từng trang đều được đánh dấu bằng những nốt khuyên, nốt gạch của màu mực tàu, hay vết mòn ở góc sách. Đến nay, ngày ngày tôi vẫn cần mẫn nghiên cứu…”.
Ông Lưu tiếp tục kể: “Tôi được dạy rằng: Nếu không có tri thức, không học được tri thức thì sản phẩm làm ra sau đó sẽ là nghèo đói, không biết mình sống để làm gì, đem lại lợi ích lớn cho xã hội”.
Chính vì thế, trong những lần đi tìm những cuốn sách cổ, tìm học chữ Hán, ông Lưu đã may mắn gặp được người thầy của mình – người được ông Lưu cho là đã tiếp thêm sức mạnh, lòng tin tưởng về khả năng tiên đoán của mình. Đó là cụ Phạm Văn Quế (ở Đội 4, Nga Hưng, Nga Sơn Thanh Hóa) 93 tuổi.
“Thầy nói, ở với thầy hôm sau, con sẽ có thần lực để cảm nhận, tiên đoán được nhiều thứ giúp cho nhân dân. Sau đó, thầy Quế đã tặng tôi gần 10 cuốn sách quý về thuật trấn, phá yểm bùa, cũng trong kho sách quý của gia đình tôi cũng có một cuốn “Thiên tâm chính pháp đại thần thông” đều nói về thuật này. Nội dung của cuốn sách này nói về: Các biện pháp về trấn trạch, trừ tà sát quỷ (tính xấu của con người) do ngoại bang yểm vào hoặc khí đất bốc lên…”, ông Lưu chia sẻ.
Ông Lưu cho biết: “Tôi được dậy, vẫn luôn tâm niệm trong đầu một câu trong sách rằng “Nhất đại bất vi sư, tam đại bại” câu này có nghĩa là “Một người thầy không có đức hại ba đời về sau”. Học sách làm tốt cho đời thì may mắn thoát khỏi hiểm nguy, còn làm những chuyện xấu thì ba đời sau vẫn bị hại. Chính vì thế, thầy khuyên tôi rằng, biết nó thì mới dùng, không biết thì nên cất đi theo đúng nghĩa là kho sách tư liệu mà thôi”.
Chỉ cho phóng viên về cuốn sách và người thầy đã truyền những sức mạnh để ông dũng cảm nghiên cứu về nó, ông Lưu cặm cụi lật trong góc sâu lấy ra 4 miếng gỗ tô ve đỏ, nguồn gốc từ đâu nó có nghĩa như thế nào, mà có thể giúp được hàng trăm hàng vạn người, mà ông gọi nó là “bùa trấn yểm”…
Liệu có bùa chú?. Câu chuyện về lá bùa độc cước do ông nội để lại và sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cơ duyên kỳ lạ trong cuốn sách của người thầy bí ẩn giao phó?. Mời quý bạn đọc theo dõi kỳ sau.
Còn nữa...
Đức Kế - Đức Anh