Cảm giác như người tê cứng hoặc bị trói chặt, không thể nhúc nhích. Mặc cho ý thức bản năng cố hết sức vùng vẫy để thoát khỏi nhưng không thể làm chủ được các cơ quan.... Đây chính là dấu hiệu phổ biến ở những người bị bóng đè.
Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA, bóng đè là hiện tượng rất phổ biến, thường xảy ra khi cơ thể rơi vào trạng thái ngủ.
Nhiều tài liệu nói rằng khi mọi người ngủ có đến 40 % đã bị “bóng đè”. Nhưng nếu căn cứ vào các triệu chứng và thống kê tỷ mỉ với thời gian đủ lớn thì phải đến trên 80% dân số đã trải qua trạng thái “bóng đè” - có điều, sau khi ngủ dậy, nhiều người bị rơi vào “quên” hoặc không chú ý nên không nhận ra.
Thế nào là bị bóng đè?
Theo giới khoa học, khi bị bóng đè, con người tạm thời bị bất động là do một cơ chế bảo vệ đã ngăn cản hệ vận động, không cho hệ thực hành mệnh lệnh của vỏ não đã ban ra trong giấc mơ.
Tình trạng này có thể diễn ra trong vài phút nhưng cũng có thể lâu hơn 30 phút, có thể lặp lại vài lần trong một đêm và thường xảy ra trong giai đoạn cuối của giấc ngủ.
Có người bị “bóng đè” không sao nhúc nhích được, cứ cố vùng vẫy thì lại càng bị 'giữ chặt'. Thấy họ bị ú ớ, người nằm cạnh lay mãi mới tỉnh. Có những người bị rơi vào cảm giác như thấy mình bị rơi từ trên cao xuống vực, hoặc thấy bị ai đó bóp cổ, bị chó đuổi, rắn tấn công... muốn chạy mà không nhúc nhích nổi. Lại có người khi bị bóng đè cảm thấy như nghe có sức mạnh đè lên người mà không thể nào đẩy ra được, khó thở, có khi bị ảo giác nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp, hoặc nghe được âm thanh bí ẩn...
Hiện tượng bóng đè tuy không có tổn thương thực thể, nhưng gây bức xúc về tâm lý. Sau khi tỉnh dậy, cơ thể sẽ cảm thấy toàn thân mệt mỏi, rã rời và ướt đẫm mồ hôi.
Lý giải khoa học hiện tượng bóng đè
"Tình trạng tê liệt trong giấc ngủ có thể sinh ra nhiều trải nghiệm đáng sợ. Hiểu biết rõ về nguyên nhân gây bóng đè sẽ đem lại ý nghĩa lớn đối với những người chịu ảnh hưởng từ nó", Live Science dẫn lời Baland Jalal, nhà thần kinh học của Đại học California, Mỹ, nói.
Một báo cáo gần đây của Jalal và đồng nghiệp Vilayanur Ramachandran được đăng trên tạp chí Medical Hypotheses cho biết: Những cảm giác đó của bạn đều do ảo giác. Ảo giác là cách bộ não tìm cách dọn sạch sự xáo trộn khi có sự can thiệp vào vùng chứa "bản đồ" thần kinh của cơ thể hoặc chính nó.
Trong lúc người bị bóng đè, thùy đỉnh giám sát các tế bào thần kinh trong não (nằm ở phần giữa phía trên não) gửi tín hiệu ra lệnh cử động nhưng không gây chuyển động thực sự ở chân và tay, khiến chúng tê liệt tạm thời. Điều đó làm rối loạn quá trình não xây dựng ý thức về hình ảnh của cơ thể.
"Sự xuất hiện của kẻ đột nhập trong phòng ngủ là kết quả sau khi bộ não liên tưởng hình ảnh cơ thể của chính mình thành một nhân vật mờ ảo nào đó", Jalal nói.
Cách khắc phục hiện tượng bóng đè
- Cải thiện điều kiện sức khỏe, rèn luyện thể thao, thường xuyên kiểm tra sức khỏe…
- Thay đổi phong cách sống và môi trường sinh hoạt theo hướng tích cực, lành mạnh,hạn chế uống rượu bia, tránh thức đêm...
- Hàng ngày nên tạo cho mình một sự tâm tịnh và xóa bớt lo lắng, căng thẳng, phiền não.
Xem video: hà mã truy sát tàu cao tốc
D. Hoàng