Tin mới

Lãnh đạo huyện lên tiếng về việc chủ nhà bị phạt nếu để khách ăn cỗ lấy phần

Thứ sáu, 29/03/2019, 14:30 (GMT+7)

Trước thông tin về việc chủ nhà nếu để khách ăn cỗ lấy phần sẽ bị phạt tiền, nhà chức trách tỉnh Nam Định bất ngờ lên tiếng.

Trên MXH thời gian gần đây bất ngờ chia sẻ thông tin liên quan đến việc chính quyền sở tại của một số xã thuộc huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu (tỉnh Nam Định) có hành vi “ép” mỗi gia đình phải đặt cọc 3 triệu đồng khi lên xã đăng ký tổ chức làm cỗ.

Chính quyền huyện Giao Thủy vận động người dân đi ăn cỗ không lấy phần mang về. Ảnh minh họa

Những thông tin trên đã khiến dư luận tỏ ra bất bình, kèm những bình luận khiếm nhã. Tài khoản Facebook Vũ Hà chia sẻ: “Tôi không đồng ý việc ép người dân phải đóng tiền phạt. Theo tôi, chính quyền chỉ được phép vận động, tuyên truyền để thay đổi ý thức người dân”. Một bạn đọc khác có tài khoản mạng xã hội Facebook là Khánh Trần bày tỏ: “Đây là một nét văn hóa của làng tôi từ xưa đến nay được đưa vào hương ước, tại sao lại có thể bắt chúng tôi đặt cọc tiền. Cỗ làm ra nhiều, không để bà con lấy phần mà đổ đi thì lãng phí quá”.

Trước thông tin khiến dư luận hoang mang, trả lời trên Thanh Niên, ông Đặng Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Giao Lạc (huyện Giao Thủy), xác nhận trên địa bàn xã có việc người dân ra xã đóng 2 - 3 triệu đồng trước khi tổ chức đám xá để tránh bà con đến ăn cỗ và lấy phần mang về. “Có việc đóng tiền, nhưng đây là hương ước của làng. Xã không quy định, bắt buộc ai cả”, ông Đại thông tin.

Cùng liên quan đến vụ việc trên, ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Phòng Văn hoá huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) cho biết Phòng Văn hoá huyện đã nắm được thông tin về vụ việc này. Tuy nhiên, theo ông Khôi, sự thật không phải vậy, nguyên nhân do nhiều người dân đã nắm bắt thông tin sai lệch.

Quy định đóng tiền cọc và phạt 500.000 đồng/người với chủ nhà có hành vi để khách lấy phần mang về khi đi ăn cỗ đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh minh hoạ

Theo ông Khôi cung cấp, từ năm 2016, huyện Giao Thuỷ chủ chương phát động cuộc vận động “làm cỗ đủ ăn và ăn cỗ không lấy phần”. Ông Khôi cũng nhấn mạnh đây là một cuộc vận động để người dân tự nguyện, tự giác thực hiện chứ không có chế tài gì để xử lý.

“Năm 2018, chúng tôi phối hợp với Phòng Tư pháp kiểm tra giám sát tại xã Giao Long. Khi phát hiện có trường hợp ép người dân đặt cọc và tự động phạt tiền nếu để khách đến ăn cỗ lấy phần nên chúng tôi đã kiến nghị với UBND xã Giao Long yêu cầu không được tiếp tục thực hiện hình thức đó nữa”, ông Khôi nói.

Ông Khôi phân tích, làm như thế là trái với quy định của pháp luật. Việc thực hiện chủ chương chủ yếu là tuyên truyền, vận động để người dân tự giác thực hiện. Tất cả các văn bản hướng dẫn của huyện Giao Thuỷ không có nội dung xử lý, hoàn toàn mang tình chất tự nguyện.

“Đến giờ, cuộc vận động đã lan toả ra nhiều xã và nhiều địa phương đã làm tốt, người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện”, ông Khôi nói.

Trên VietNamNet, ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Giao Long, huyện Giao Thủy cho hay đây là chủ trương của UBND huyện Giao Thủy trong cuộc vận động văn minh văn hóa, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ ko lấy phần. Có khoảng 5-6 xã thực hiện thí điểm được hơn 2 năm nay.

Về một số lo ngại liên quan đến việc ăn cỗ lấy phần là một thói quen ở nhiều địa phương và nếu không lấy về, gia đình làm cỗ sẽ thừa nhiều thức ăn, gây lãng phí... ông Nam nói, chính các cử tri khi đi họp cũng đề xuất nên tuyên truyền, vận động bỏ tục ăn cỗ lấy phần.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: ăn cỗ lấy phần