HĐXX tuyên phạt Vinh mức án 9 năm tù về tội Giết người, buộc Vinh cấp dưỡng cho 2 con của bị hại cho đến khi trưởng thành mỗi tháng 500.000 đồng. Đối với các khoản yêu cầu bồi thường khác của gia đình bị hại, tòa cho là không hợp lý nên không chấp nhận.
Chiều 22/6, phiên xử nguyên đại úy CSGT trạm Suối Tre Ngô Văn Vinh tiếp tục với phần tranh luận. Trước khi kết thúc buổi làm việc sáng nay, Vinh bị VKS đề nghị mức án 7-9 năm tù về tội Giết Người. Không đồng ý với quan điểm của Viện, cả luật sư và Vinh đều cho rằng vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
Vnexpress đưa tin, sau gần một giờ nghị án, HĐXX cho rằng, Vinh khi phạm tội là đại úy, đảng viên nhưng không tu dưỡng được đạo đức, tác phong của người chiến sĩ công an. Bị cáo đã giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi tiêu cực dẫn đến cái chết cho nạn nhân Sơn và làm bị thương đồng nghiệp. "Bị cáo khai báo không trung thực, quanh co gây khó khăn cho quá trình điều tra nên phải áp dụng mức án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu, đã bồi thường một phần thiệt hại, bị hại Sơn cũng có lỗi... nên xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt", tòa nhận định.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt Vinh mức án 9 năm tù về tội Giết người, buộc Vinh cấp dưỡng cho 2 con của bị hại cho đến khi trưởng thành mỗi tháng 500.000 đồng. Đối với các khoản yêu cầu bồi thường khác của gia đình bị hại, tòa cho là không hợp lý nên không chấp nhận.
Trước đó, được nói lời sau cùng, bị cáo Vinh cho biết đã rất hối hận về những gì đã gây ra và gửi lời xin lỗi tới bà Vân và hai con của thiếu tá Sơn. "Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi đơn vị, ngành công an vì đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành. Bị cáo mong HĐXX trả hồ sơ điều tra lại, đổi điều tra viên vì có những lời khai không thể công bố tại tòa…”, Vinh nói.
![]() |
Bị cáo Vinh trao đổi với luật sư trước phiên xử buổi chiều |
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, theo bị cáo Vinh, trong vụ án này có "một Người bí ẩn mà bị cáo không thể nào khai ra với cấp điều tra ở Đồng Nai vì phía sau bị cáo còn em, còn vợ. Bị cáo mong muốn Cục điều tra của Viên Tối cao vào điều tra lại vụ án. Hệ thống camera không được các cơ quan tố tụng xem xét nên sẽ không khách quan khi tuyên bị cáo tội giết người".
Trong diễn biến tại phiên tòa, thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, bảo vệ quyền lợi cho bị hại Sơn, luật sư nêu nghi vấn: khẩu súng mà cơ quan chức năng cấp cho bị cáo Vinh và khẩu súng bị cáo gây án là một hay hai khẩu khác nhau? Bởi mã số súng được cấp và súng gây án khác nhau. Cơ quan tố tụng cần làm rõ việc này để xem xét bị cáo có sử trái phép vũ khí dụng quân dụng hay không?
Luật sư cũng thừa nhận trong một lúc, điều tra viên vừa có mặt nơi khám nghiệm tử thi ở bệnh viện, cùng khám nghiệm hiện trường là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Tuy nhiên, vi phạm này đã được khắc phục.
Về động cơ gây án của bị cáo, luật sư cho rằng ngay tại quán karaoke Vinh đấm Sơn nhưng bị hại không hề đánh lại. Thế nhưng khi rời khỏi quán, Vinh hằn học lấy súng đi tìm Sơn. Khi về phòng, bị cáo lên đạn, mở chốt an toàn và để xuống gối là có chủ đích giết Sơn chứ không phải bộc phát như vị luật sư của bị cáo nêu. “Bị cáo Vinh đã có hành vi giết người đến cùng”, luật sư nói.
Về mức đề nghịbồi thường 3 tỉ đồng của vợ bị hại, luật sư cho rằng đó chỉ là cách tính sơ bộ vì “hai người con đã mất cha, một người vợ mất chồng thì số tiền 3 tỉ thì không là gì cả”, luật sư nêu.
Theo Vietnamnet, sau khi luật sư của bị hại kết thúc phần trình bày, đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố và khẳng định việc truy tố và xét xử bị cáo là không oan. VKS cho biết luật sư bảo vệ của bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là không đúng.
![]() |
Xe chở bị cáo Vinhđến toà. Ảnh: TD/ Plo.vn |
VKS cũng bác bỏ quan điểm của luật sư về việc cho rằng tách hành vi của Trương Thành Chí ra xét xử thành vụ án riêng là vi phạm tố tụng.
Đối với đề nghị sử dụng hình ảnh tại camera, VKS cho biết cơ quan tố tụng cũng đã xem xét. Tuy nhiên thực tế đúng là camera chỉ lắp đặt ngoài cổng. Các nhân chứng và nhân viên làm việc tại đây đều khai rằng các nhân viên đi làm về thường đi từ phía căn-tin đi lên chứ không đi phía cổng có camera. Do vậy, kiến nghị của bị cáo và luật sư là không cần thiết.
Về quan điểm của luật sư phía bị hại cho rằng bị cáo phạm tội mang tính côn đồ, VKS cũng cho rằng không có cơ sở. Theo VKS, nếu bị cáo cầm súng trực tiếp đi tìm anh Sơn và bắn anh Sơn thì hành vi phạm tội của bị cáo mang tính côn đồ.
Thế nhưng trong vụ án nguyên nhân xảy ra vụ án có một phần lỗi từ phía nạn nhân. Nạn nhân Sơn là lãnh đạo của bị cáo nhưng đã không đánh giá hết thái độ bực dọc của bị cáo, nghĩ rằng bị cáo không dám sử dụng súng để bắn mình nên đã tấn công bị cáo. Hành vi của bị hại là trái pháp luật nên cáo trạng truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 93 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Theo hồ sơ, ngày 22/9/2013, tại một quán karaoke ở thị xã Long Khánh, thiếu tá trạm phó tạm Suối Tre Trần Ngọc Sơn và Trương Thành Chí gặp đại uý Ngô Văn Vinh. Lúc cháo hỏi, ông Vinh gọi anh của Chí (học cùng lớp với Vinh) là “thằng” nên Chí đập ly bia vào mặt Vinh gây thương tích. Ông Sơn nói “mày gọi anh nó bằng “thằng" nên nó đánh là phải”. Cho là ông Sơn bênh vực người ngoài, Vinh đấm ông Sơn. Sau khi về trạm, Vinh đi tìm thiếu tá Sơn nhưng không gặp. Lúc biết Vinh tìm mình, ông Sơn tới phòng Vinh đấm người này. Vinh lấy súng để dưới gối, nổ súng làm thượng úy Đoàn Thanh Phú bị thương, ông Sơn tử vong. Trong lúc giằng co, Vinh bị đánh, tỉ lệ thương tật 40%. Chí cũng bị bắt để điều tra tội Cố ý gây thương tích. Vinh bị truy tố tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nhưng trong phiên xử lần đầu, tòa đã trả hồ sơ và Vinh bị truy tố lại thành tội Giết người. |
Phương Huyền (tổng hợp)