Tin mới

Nhiều khách Việt hú vía khi Honda CR-V bị cứng phanh khi ngắt chế độ Cruise Control

Thứ ba, 04/06/2019, 15:13 (GMT+7)

Mới đây, nhiều khách hàng tỏ ra hoang mang khi gặp gặp sự cố về chiếc Honda CR-V bị cứng chân phanh khi lái xe cố ngắt chế độ ga tự động Cruise Control.

Theo tin tức trên Tiền phong, vào ngày 1/6 vừa qua, anh Hoàng Đăng Tùng (Quảng Trị) có chia sẻ về việc chiếc crossover của anh đang sử dụng chức năng ga tự động Cruise Control (rảnh chân ga), khi dự định đạp phanh để ngắt chế độ này bỗng chân phanh khóa cứng khiến anh được phen hú vía.

Chiếc xe Honda CR-V bị khách hàng phản ánh lỗi bó cứng chân phanh khi ngắt ga tự động được. Ảnh: TP

Cụ thể, theo lời kể của anh Hoàng, lúc đó, anh đang chạy trên Quốc lộ 1A đoạn gần tới thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chiếc Honda CR-V đang chạy chế độ ga tự động Cruise Control 90km/h thì có tiếng cạch và tiếng cảnh bảo vang lên.

Ngay lập tức, anh đạp phanh nhưng chân phanh cứng ngắc không nhúc nhích, dù đã nhồi đến 3 lần. Sau một số nỗ lực đưa xe vào lề đường thành công, anh cho biết: Khi đó, nhìn trên bảng đồng hồ, các đèn báo động cơ System Check, đèn VSA, BB, Brake Hold, trợ lực lái, cân bằng điện tử đều sáng. Nhưng sau khi tắt máy và khởi động thì các đèn đó biến mất và chân phanh hoạt động lại được.

Màn hình bật lỗi cảnh báo trên xe của người dùng sau khi dùng cruise control. Ảnh: VNN

Sau khi phản ảnh tình huống trên lên Group của Honda CR-V, cũng có khá nhiều chủ xe chia sẻ về tình huống tương tự mà họ đã gặp phải khi muốn ngắt Cruise Control. Những người này cho biết xe của mình cũng bị bó cứng phanh khi đang đi trên cao tốc khi xe Honda CR-V của mình sử dụng ga tự động.

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Vũ Duy Hoàng (29 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, chỉ trong nửa đầu năm nay, anh đã có 4 lần gặp sự cố cứng chân phanh liên quan đến hệ thống Cruise Control khi chạy chiếc Honda CR-V trên cao tốc. Chiếc xe màu xanh đen bản L được anh mua vào tháng 10/2018 và đến nay, đã đi được gần 3.000 km.

Giải thích về lỗi này, kỹ thuật viên của một đại lý Honda ở Hà Nội nhận định: "Có thể lỗi do cơ cấu chấp hành hoặc điều khiển ra hơi chậm nên chân phanh bị cứng ở trạng thái cưỡng bức và tức thời. Trong trường hợp này, người lái chỉ cần bỏ chân ra và đạp phanh lại là được".

Theo kỹ thuật viên này, đối với trường hợp khi chân phanh bị cứng không thể đạp xuống, anh Tùng phải xử lý theo cách khác: "Ví dụ dùng lẫy chuyển số sau vô lăng để về các số thấp hơn để hãm xe lại. Sau khi cập lề được thì dùng phanh điện tử để dừng hẳn và chuyển cần số về chế độ P".

Đây cũng là một cách khá tốt, và giúp xe dừng lại an toàn trong trường hợp phía trước và sau anh khi đó không có ôtô hay vật thể nào khác; nếu không, việc xử lý sẽ phải khó khăn hơn và hậu quả sẽ còn lớn hơn.

Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, đây là lỗi rất nghiêm trọng. Việc vệ sinh chân phanh, cài lại phần mềm mà đèn cảnh báo trên tap- lô vẫn nhấp nháy nghĩa là lỗi chưa được khắc phục triệt để. Nhà sản xuất cần sớm đưa ra các nguyên nhân giải thích rõ ràng và khắc phục dứt điểm vì liên quan đến sự an toàn của người sử dụng xe.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news