Lực lượng không quân vận tải giữ vai trò quan trọng trong quân đội. Dưới đây là 10 vận tải cơ lớn nhất thế giới của quân đội các nước.
Để vận chuyển những khí tài quân sự cỡ lớn như xe tăng hay pháo tự hành đến được địa điểm chiến đấu thì không thể sử dụng những máy bay vận tải thông thường. Thay vào đó không quân phải sử dụng những chiếc máy bay khổng lồ với sức chở lớn. Những gã khổng lồ này có thể nặng tới gần 400 tấn, được sử dụng để vận chuyển xe tăng, trực thăng cũng như các loại xe quân sự đến vùng tham chiến
Antonov An-124 Ruslan:
An-124 Ruslan được phát triển bởi công ty Antonov và là máy bay vận tải quân sự lớn nhất trên thế giới với trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 392 tấn. An-124-100 có thể mang theo 120 tấn hàng hóa và có khả năng chuyên chở các loại hàng hóa quá tải, quá khổ và các loại xe quân sự.
An-124 có khoang chứa hàng hóa lớn hơn 20% so với máy bay C-5 Galaxy. Máy bay được trang bị 2 cửa ở đầu và đuôi máy bay giúp tải và tháo dỡ hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng.
An-124 được trang bị 4 động cơ D-18T với lực đẩy của mỗi động cơ lên đến 229,85kN. Máy bay có tốc độ hành trình tối đa 850km/giờ, tầm hoạt động 7.500km.
C-5M Super Galaxy:
C-5M Super Galaxy được chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và là máy bay vận tải lớn nhất từng được không quân Mỹ sử dụng.
Là phiên bản cải tiến của máy bay vận tải chiến lược C-5 Galaxy, máy bay có trọng lượng cất cánh 381 tấn, có thể mang theo 129 tấn hàng hóa.
C-5M có thể chở đến 6 xe bọc thép chống mìn (MRAP) hoặc 5 trực thăng.
Chiến C-5 đầu tiên được biên chế vào không quân Mỹ vào năm 1970 trong khi phiên bản C-5M được giới thiệu vào năm 2009. Giống như An-124, vận tải cơ C-5M có 2 cửa ở đầu và đuôi máy bay giúp chuyển hàng hóa nhanh hơn.
C-5M có tốc độ hành trình tối đa 0,77 Mach tầm hoạt động 7.000 hải lý.
C-17 Globemaster III:
C-17 được phát triển bởi McDonnell Douglas (nay là Boeing) cho không quân Mỹ. Nó có khả năng vận chuyển các loại hàng hóa quá khổ quá tải cũng như binh lính đến các sân bay có đường băng ngắn bất kể ngày hay đêm. C-17 có trọng lượng cất cánh tối đa 265,3 tấn, có thể mang theo 74,7 tấn hàng hóa.
Chiếc C-17 đầu tiên được giới thiệu cho không quân Mỹ vào tháng 1/1995. Hiện nay Boeing đã xuất khẩu hơn 259 máy bay C-17 cho 36 khách hàng trên thế giới.
Trang bị 4 động cơ Pratt & Whitney PW2040, máy bay có thể đạt được tốc độ tối đa 0,77 Mach, tầm hoạt động 5.610 hải lý.
A330 MRTT:
A330 MRTT được chế tạo dựa trên khung thân máy bay chở khách A330. Đây là loại máy bay đa năng có thể thực hiện nhiệm vụ vận tải cũng như tiếp dầu trên không.
A330 MRTT có trọng lượng cất cánh tối đa 233 tấn, có thể mang theo 45 tấn hàng hóa.
Chuyến bay đầu tiên của A330 MRTT diễn ra vào tháng 6/2007 và hiện tại đã có 17 máy đang hoạt động trong không quân của 4 quốc gia.
A330 MRTT có thể được trang bị 2 động cơ General Electric CF6-80E1A3, Rolls-Royce Trent 772B hoặc Pratt & Whitney PW 4168A. Máy bay có tốc độ hành trình tối đa 0,86 Mach, tầm hoạt động 14.800km.
Antonov An-22 Antei:
An-22 Antei được phát triển bởi Antonov và hiện tại đang hoạt động trong biên chế không quân Nga. Vận tải cơ này có trọng lượng cất cánh tối đa 225 tấn, có thể mang theo 60 tấn hàng hóa.
An-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/1965 tại sân bay Svyatoshin. Tổng cộng đã có 66 máy bay An-22, bao gồm phiên bản An-22A được sản xuất cho đến tháng 1/1976.
Trang bị 4 động cơ cánh quạt Kuznetsov NK-12MA, máy bay có thể đạt tốc độ hành trình tối đa 740km/giờ, tầm hoạt động 5.250km.
Xian Y-20:
Vận tải cơ Y-20 được phát triển bởi tập đoàn hàng không Xi'an cho không quân Trung Quốc. Đây cũng là máy bay vận tải quân sự nội địa lớn nhất của Trung Quốc. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 220 tấn, có thể mang theo 60 tấn hàng hóa.
Dự án chế tạo Y-20 được khởi động vào năm 2006 và phiên bản thử nghiệm đầu tiên cất cánh vào tháng 1/2013. Máy bay dự kiến đưa vào biên chế của không quân Trung Quốc vào năm 2017.
Y-20 được trang bị 4 động cơ D-30KP-2 hoặc WS-18 trong khi các máy bay sản xuất loạt sau này có thể sẽ được trang bị động cơ WS-20.
Ilyushin IL-76:
IL-76 được thiết kế bởi tổ hợp hàng không Ilyushin, máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 210 tấn và có khả năng mang 60 tấn hàng hóa.
IL-76 cất cánh đầu tiên vào tháng 3/1971 và được đưa vào biên chế không quân Liên Xô vào tháng 6/1974. Hiện nay các phiên bản của IL-76 bao gồm: IL-76MD, IL-76MD-90, IL-76MD-90A và IL-76MF.
Phiên bản nâng cấp của IL-76 được trang bị 4 động cơ PS-90A-76 giúp máy bay đạt được tốc độ tối đa 850km/giờ.
Airbus A400M:
A400M là sản phẩm của Airbus Military và là máy bay vận tải quân sự cánh quạt tiên tiến nhất trên thế giới. Nó được thiết kế để thay thế các máy bay vận tải C-130 và C-160.
Vận tải cơ A400M có trọng lượng cất cánh tối đa 141 tấn và mang được 37 tấn hàng hóa.
Chuyến bay đầu tiên của A400M diễn ra vào tháng 12/2009. Chiếc máy bay A400M đầu tiên được chuyển giao cho không quân Pháp vào tháng 8/2013.
A400M có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, người, thả dù, tiếp dầu trên không và tải thương.
Máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt giúp đạt tốc độ tối đa 555km/giờ, tầm hoạt động 8.700km.
Kawasaki XC-2:
Vận tải cơ XC-2 là dòng máy bay vận tải thế hệ mới được phát triển bởi tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki cho lực lượng Phòng vệ trên không của Nhật Bản. Máy bay được kỳ vọng sẽ thay thế cho các phi đội Kawasaki C-1 và C-130 của Nhật Bản.
XC-2 có trọng lượng cất cánh tối đa 141 tấn, tầm hoạt động và khối lượng hàng hóa chuyên chở cao hơn so với C-1 và các loại máy bay khác cùng hạng.
XC-2 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2010. Máy bay được trang bị 2 động cơ GE CF6-80C2K1F giúp đạt được tốc độ hành trình tối đa 890km/giờ, tầm hoạt động 10.000km.
Antonov An-70:
An-70 là dòng máy bay thế hệ mới có khả năng cất và hạ cánh ở đường băng ngắn được phát triển bởi Antonov. Máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa 130 tấn, có khả năng chuyên chở 40 tấn hàng hóa.
Vận tải cơ An-70 được trang bị 4 động cơ cánh quạt D-27 giúp máy bay đạt được tốc độ tối đa 780km/giờ, tầm hoạt động 8.000km.
Trang Vũ (tổng hợp)