Tư vấn chọn nghề cần phải sớm và thường xuyên để người học đầu tư sức lực và trí lực cho khối mình chọn. Tạo điều kiện cho học sinh đối chiếu với năng lực, sở trường của mình để chọn trường phù hợp, tránh chạy theo cảm tính, trào lưu.
Trong vài năm trở lại đây việc hướng nghiệp và tư vấn học đường cho học sinh đã được ngành giáo dục đào tạo chú trọng và triển khai ở các bậc học, đặc biệt ở bậc phổ thông trung học, qua đó giúp các em có thêm những kỷ năng, bí quyết định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai. Nhưng so với thực tế hiện nay việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ở một số trường học vẫn chưa đạt chất lượng tốt, chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Hướng nghiệp không chỉ đơn giản là việc chọn một nghề cụ thể mà là việc mưu sinh
Việc lòng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp còn chung chung mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu, áp đặt người học... trong khi đó, các thông tin về tư vấn tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng quá nhiều gây ra tình trạng “nhiễu thông tin”, thậm chí nhiều thông tin không chính thống làm cho học sinh “hoang mang” không biết nghe ai và chọn cho mình trường nào trong suốt quá trình học và đặc biệt là trước mùa thi. Do đó, một trong những vấn đề cấp bách đặt ra đối với nhà trường, gia đình và xã hội đó là cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cho con em để giúp các em nhận thức đúng việc lựa chọn nghề nghiệp sao cho vừa phù hợp với khả năng học lực của mìnhvừa phù hợp với phân công lao động xã hội.
Có thể nói hằng năm trên báo chí đã đưa ra không ít dẫn chứng về những trường hợp trớ trêu như là: nhằm thỏa mãn “cơn khát vào đại học” không ít học sinh hiện nay đi tìm những trường thấp điểm và chọn những ngành ít người học để dự thi mà không cần biết nghề đó sau này ra sao và có phù hợp với mình hay không, cá biệt những học sinh học giỏi nhưng không may thi lần đầu rớt Đại học đã tìm đến cái chết vì bị gia đình chê trách, mặc cảm với bạn bè. Có học sinh khó khăn lắm mới thi đỗ đại học, vào học Đại học rồi lại không muốn học, đua đòi nghiện ngập, cờ bạc chỉ vì ly do là: mình đã chọn không đúng ngành học ưa thích.
Hướng nghiệp không chỉ đơn giản là việc chọn một nghề cụ thể mà là việc mưu sinh, việc khẳng định vị thế của mình trong xã hội.. Do vậy, để công việc này sớm có kết quả thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường trong công tác giáo dục hướng nghiệp.
Các bậc làm cha làm mẹ phải biết “lắng nghe” ước mơ nghề nghiệp của con mình để từ đó động viên các em lựa chọn nghề phù hợp với sở trường nhưng phải dựa trên cơ sở nền tảng kiến thức mà các em đang có, tránh trường hợp bắt ép các em phải lựa chọn những nghề nghiệp theo ý muốn chủ quan của bố mẹ. Về phía nhà trường, luôn luôn quan tâm giúp đỡ học sinh hoàn thiện, bổ sung kiến thức và cùng với việc giảng dạy lý thuyết về định hướng nghề thì phải cung cấp những kiến thức thực tiễn theo phương pháp “nói có sách, mách có chứng’’ để cho học sinh hiểu được ý nghĩa tốt đẹp khi xác định đúng xu hướng nghề nghiệp cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, ban ngành chủ quản cần thẩm định, kiểm tra đầy đủ những thhợông tin mà các trường đưa ra, kịp thời “đính chính” những thông tin thiếu chính xác mà một số trường đưa ra.
Các trường Đại học khi cung cấp thông tin phải đầy đủ về những thông tin thuận lợi cũng như những thông tin khó khăn mà nhà trường đang đối mặt để thí sinh và gia đình tham khảo tránh mục đích mang tính quảng bá lấy thương hiệu. Phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn thanh niên ở các địa phương để làm cầu nối trung gian giữa nhà trường với người học để có nguồn thông tin tư vấn chính xác, trung thực, hiệu quả.
Tư vấn chọn nghề cần phải sớm và thường xuyên để người học đầu tư sức lực và trí lực cho khối mình chọn. Tạo điều kiện cho học sinh đối chiếu với năng lực, sở trường của mình để chọn trường phù hợp, tránh chạy theo cảm tính, trào lưu.
Nước ta hiện nay vẫn đang trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, mất cân đối nhân lực giữa ngành này và ngành khác, “học một đàng làm một nẻo” trái ngành, trái nghề dẫn tới công việc không hiệu quả hoặc phải đào tạo lại… thì việc hướng nghiệp, tư vấn chọn trường từ những nguồn thông tin chính thống là rất cần thiết. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải chú trọng và quan tâm để giúp người học thoát khỏi tình trạng “hoang mang” với thông tin tư vấn hướng nghiệp như hiện nay, sáng suốt lựa chọn những trường phù hợp với sở thích của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
Chu Minh Quốc
(Trường Đại học Nguyễn Huệ)