"Để tránh oan sai, đồng thời làm rõ các nghi vấn, có thể đưa bà Nguyễn Thị Thu Hà đi giám định tâm thần", luật sư Trương Anh Tú đề xuất.
Diễn biến mới nhất vụ án oAn Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã chia sẻ như vậy với PV báo Người Đưa Tin.
"Bà Hà chưa phải là nhân chứng..."
Bà Nguyễn Thị Hà là người đã đứng ra tố cáo với cơ quan chức năng việc ông Nguyễn Thanh Chấn chính là hung thủ trong vụ án, chứ không phải Lý Nguyễn Chung, ngay sau khi có tin VKSND Tối cao đồng ý bồi thường oan sai cho ông Chấn 7,2 tỉ đồng.
LS Tú cho biết, trước đây, ở giai đoạn xét xử và trong phiên xét xử vừa rồi với những thông tin liên quan có thể thấy rằng, bà Hà chưa đủ tư cách để xác định làm nhân chứng trong vụ án. Vì nhân chứng phải là người biết được các tình tiết liên quan đến vụ án.
![]() |
Luật sư Trương Anh Tú |
Đây là điều kiện cơ bản nhưng tìm hiểu ra được biết bà Hà không hề biết ông Chấn, không biết gia đình, không biết nhà cửa… Trong khi nhà bà Hà cách xa nhà ông Chấn hàng chục km. Rõ ràng, đây không phải là người biết về vụ án, suy ra không phải là nhân chứng.
“Tuy nhiên, Tòa án rất cẩn trọng nên đã mời bà Hà đến để hỏi một số thông tin liên quan và hoàn toàn chưa xác định tư cách nhân chứng của người này. Đây là việc làm cẩn trọng và cần thiết, nhưng ở góc độ pháp luật thì chưa thể xác định bà Hà là nhân chứng”, LS Tú nhận định.
Có lộ bí mật điều tra?
Luật sư Tú cũng lưu ý một số chi tiết xung quanh những diễn biến mới của vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Đó chính là phương thức tố cáo, nội dung tố cáo và những thứ được coi là căn cứ tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà, có vẻ... rất "chuyên nghiệp".

Cụ thể, có hàng loạt nghi vấn đặt ra với trình độ học vấn, vị thế xã hội của bà Hà liệu có làm được việc đó một mình hay không? Cơ quan chức năng cần làm rõ, bà Hà không phải là nhân chứng, không phải là chủ thể của vụ án, không có trách nhiệm liên quan, không phải là điều tra viên, không phải là thẩm phán, không phải kiểm sát viên, không phải người bị hại…
Vậy, người này lấy đâu ra tài liệu có trong hồ sơ đang trong quá trình điều tra của vụ án, phản ánh việc ông Chấn nhận tội? Câu hỏi đặt ra ai cung cấp tài liệu ra bên ngoài? Cung cấp tài liệu đó nhằm mục đích gì? Và cung cấp ở giai đoạn nào?
Nếu tài liệu được cung cấp trong quá trình điều tra thì có dấu hiệu của việc tiết lộ bí mật điều tra. Còn ngoài quá trình điều tra cũng có dấu hiệu của loại tội tiết lộ bí mật công tác, ai cho phép cung cấp thông tin cho người không liên quan?. Ngay cả cơ quan báo chí, việc cung cấp thông tin còn là một điều khá thận trọng, chứ chưa nói đến người không liên quan.
Với những phân tích trên, dư luận có thể nghi ngờ việc bà Hà ít có khả năng thực hiện việc đó một mình. Điều này cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Cần thiết có thể đưa bà Hà đi giám định tâm thần?
"Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, để cho chắc ăn, chẳng may bà Hà mà có dấu hiệu tâm thần thì không thể xử lý. Đây là việc làm thận trọng để tiếp tục các biện pháp khác. Chính vì thế, để làm rõ các nghi vấn trên, nếu cần thiết có thể cho bà Hà đi giám định tâm thần, xem có vấn đề gì về thần kinh hay không?
Nếu là người bệnh thì cho đi chữa trị, còn nếu xác định bà Hà hoàn toàn bình thường, thì cần xác định động cơ mục đích của bà Hà như thế nào? Có ai đứng đằng sau "giật giây" hay không?", LS Tú nói.
Cũng theo LS Tú: Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật hoan nghênh những người biết rõ về sự việc, biết những tình tiết liên quan đến các vụ án và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Nhưng pháp luật cũng sẽ trừng trị nghiêm khắc đối với những người có hành vi khai báo gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Theo Tuấn Mạnh