Theo đó để ghi điểm, bạn cần lưu ý 5 điều quan trọng dưới đây khi đối diện với câu hỏi này trong quá trình ứng tuyển vào các công ty đang tuyển dụng tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Kết nối sở thích với công việc
Sở thích là những hành động thường xuyên được lặp lại, tạo thành thói quen nên ít nhiều nói lên năng lực của bạn. Nó cũng thể hiện sự hứng thú, ham thích của bạn với một đối tượng, vấn đề nào đó. Đây cũng là điều nhà tuyển dụng muốn nghe.
Bạn nên chọn những sở thích đồng thời thể hiện đam mê với công việc đang ứng tuyển. Qua đó cho thấy, bạn có động lực để gắn bó, kiên trì với công việc. Đồng thời từ sở thích đó, nhà tuyển dụng sẽ phát hiện thêm kỹ năng của bạn. Nếu kỹ năng đó thích hợp cho công việc, giúp công việc phát triển hơn thì chắc chắn bạn đã ghi điểm với họ. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn sở thích liên quan tới công việc, chứ không đơn thuần là sở thích ngoài cuộc sống.
Ví dụ: Bạn ứng tuyển vị trí liên quan đến lĩnh vực du lịch thì các sở thích như khám phá vùng đất mới, đọc sách, tìm hiểu văn hóa các quốc gia… sẽ rất thích hợp với công việc.
Nên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
Sở thích phản ánh một phần tính cách của bạn. Thế nên giữa hàng chục sở thích, bạn không cần liệt kê hết. Chỉ cần chọn vài ba sở thích cho thấy khả năng hòa hợp của bạn với doanh nghiệp khi trả lời câu hỏi “Sở thích của em là gì?” Bằng cách đó, nhà tuyển dụng phần nào tin tưởng vào sự gắn bó lâu dài của bạn với họ.
Vậy nên ngoài tìm hiểu kỹ về công việc, bạn nên nghiên cứu các thông tin liên quan đến giá trị cốt lõi, văn hóa doanh nghiệp. Khi hiểu rõ điều này, bạn sẽ biết cách đưa ra sở thích hợp lý.
Ví dụ, nếu công ty hướng tới giá trị cộng đồng thì sở thích như Từ thiện, tham gia hoạt động cộng đồng... sẽ được đánh giá phù hợp.
Ngắn gọn nhưng đừng nói không
Nhiều bạn vì không biết lựa chọn hoặc không có sở thích rõ ràng nên trả lời: không có sở thích nào. Bạn cho rằng như thế là thẳng thắn và trung thực. Nhưng câu trả lời quá ngắn gọn này phản ánh bạn là người không có đam mê nào khác trong cuộc sống và nhạt nhẽo. Chưa kể nhà tuyển dụng cảm thấy không được tôn trọng bởi họ đang muốn tìm hiểu thêm về bạn.
Trên thực tế, ai cũng có sự quan tâm khác ngoài công việc. Bạn sẽ thăng hoa với công việc khi đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống với công việc. Do đó, hãy luôn sẵn sàng với ít nhất 1-2 sở thích cá nhân. Tốt nhất khi sở thích đó liên quan tới công việc. Nhưng kể cả là không liên quan thì qua đó cũng hãy cho nhà tuyển dụng thấy, bạn có cuộc sống thú vị, phong phú, nhiều màu sắc.
Việc sẵn sàng chia sẻ và thảo luận về sở thích ấy cho thấy bạn hiểu rõ bản thân, tự tin và mạnh dạn. Đây là kỹ năng mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn có ở ứng viên.
Không đề cập đến các sở thích nhạy cảm
Những sở thích như đọc sách, nghe nhạc, viết lách, du lịch… khá nhàm chán nhưng vẫn được nhiều ứng viên lựa chọn. Trong buổi phỏng vấn, cùng với áp lực tâm lý, nếu phải cân nhắc so với các sở thích nhạy cảm, liên quan đến chính trị, tôn giáo, những vấn đề còn tranh cãi thì nó vẫn là lựa chọn tốt hơn. Mặc dù chưa lột tả được hết cá tính, phẩm chất riêng của bạn nhưng ít nhất nó đảm bảo sự an toàn.
Bởi nếu mạo hiểm đưa ra sở thích nhạy cảm thì rất dễ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn tiêu cực về bạn. Chưa kể, nếu có tranh cãi, bất đồng quan điểm thì bạn sẽ bị mất điểm trong mắt họ.
Đừng dừng lại ở việc nêu tên
Một ứng viên thông minh sẽ không dừng lại ở việc liệt kê sở thích và kết thúc câu trả lời ở đó. Bạn nên trả lời làm sao để làm nổi bật nó và biến sở thích thành điểm mạnh. Hãy giải thích vì sao “yêu” nó bằng cách kể câu chuyện khiến bạn gắn bó với sở thích đó.
Ví dụ: thích thời trang là bởi bản chất bạn yêu thích sự sáng tạo, thích cái đẹp; thích đọc sách là bởi bạn là người ham học, không ngừng phát triển bản thân, không muốn tụt hậu so với xã hội...
Bằng cách giải thích sâu hơn, bạn đã biến sở thích thành điểm mạnh của mình. Nó cũng khiến câu trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng hơn. Tất nhiên không nên phóng đại sở thích, nó cần đảm bảo đúng là những thứ bạn theo đuổi. Ngôn ngữ bạn chia sẻ cũng nên đảm bảo sự chân thành để tăng sự tin tưởng với nhà tuyển dụng.
Trên đây là một số lưu ý quan trọng khi trả lời câu hỏi “Sở thích của em là gì?”. Hi vọng với chia sẻ này, cùng với việc hiểu rõ mục đích của nhà tuyển dụng, bạn sẽ có câu trả lời xuất sắc và chứng tỏ là mảnh ghép mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.