Nhiều đại gia Việt đang sở hữu những bộ sưu tập siêu xe vào hàng "khủng", nhưng hầu hết trong đó đều là xe cũ.
Siêu giàu nhiều, Việt Nam càng lắm siêu xe
Thống kê mới nhất, Việt Nam có 1 tỷ phú đô la, hàng trăm người thuộc nhóm siêu giàu... nhưng đây được cho chỉ là bề nổi rất nhỏ của tầng lớp siêu giàu Việt Nam. Giả dụ, hãy nhìn vào cái cách mà họ “chơi” siêu xe hoặc sở hữu những bộ sưu tập xế khủng.
Độ chịu chơi của siêu giàu Việt Nam dễ nhận thấy nhất chính là việc hàng loạt các đại gia Việt sở hữu xe siêu xe triệu đô với khối lượng khiến chính hãng cũng phải bất ngờ và phải đẩy nhanh kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam.
Có thể kế đến chiếc Rolls Royce Phantom 77L-7777 độc nhất vô nhị của bà Bạch Diệp với giá hơn 1 triệu USD hay chiếc xe Rolls Royce Ngôi SaoPhương Đông chính hãng về Việt Nam đã được rước thẳng đến gara một đại gia BĐS.
Giới chơi xe cũng không ít lần "ngả mũ" trước dàn xe khủng nhà chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà; dàn xe "trăm tỷ" của đại gia Minh "nhựa"; bộ sưu tập các loại xe của Cường Đôla...
Đại gia phố núi Cường đôla gần đây bị lu mờ so với nhiều đại gia mới nổi khác nhưng bộ sưu tập siêu xe từ Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider đến Rolls-Royce Phantom, Porsche... cũng khiến không ít trang tin nước ngoài như Autoguide (Mỹ) phải "ngả mũ" kính nể..., thậm chí so sánh với bộ sưu tập xe của một thiếu gia người Ả-rập.
Trong khi đó, bên cạnh việc tiêu dùng những thứ đồ xa xỉ như chiếc túi Hemes trị giá cả tỷ đồng hay những chiếc đồng hồ 7 - 8 tỷ thỉnh thoảng lại khiến nhiều người xôn xao thì không ít đại gia còn có nhiều thú vui hiếm có trên thế giới như nuôi thú dữ từ hổ trăng, tê giác châu Phi, chó Ngao Tây Tạng...
Độ chịu chơi của siêu giàu Việt Nam dễ nhận thấy nhất chính là việc hàng loạt các đại gia Việt sở hữu xe siêu xe triệu đô. (Ảnh minh họa).
Điểm sơ qua đã có thể thấy, đại Việt đã bắt đầu được đánh dấu trên bản đồ siêu giàu thế giới. Không ít người sở hữu khối tài sản hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ USD. Kể cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, giới siêu giàu vẫn không ngừng tăng lên. Và lẽ tất nhiên, khi xuất hiện tầng lớp siêu giàu thì hàng hóa xa xỉ cũng ồ ạt chảy về Việt Nam.
Những chiếc du thuyền, những chiếc máy bay, những chiếc Roll Royce, hàng hiệu LV... cùng dịch vụ đắt đỏ đã xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết cho thấy đại gia Việt Nam cũng đã được đánh dấu vào bản đồ "chịu chơi" của giới nhà giàu toàn cầu.
Chơi siêu xe: Đại gia Việt vẫn "nửa mùa"
Theo tin tức trên báo Vietnamnet, dù giới đại gia Việt sở hữu nhiều siêu xe giá trị, nhưng hầu hết trong đó lại là xe cũ, và để giảm thiểu chi phí mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng, nhiều đại gia vẫn quen sửa siêu xe ở... vỉa hè.
Trong số hơn 200 chiếc xe Bentley và 90 chiếc Rolls-Royce mà đại gia Việt đang sở hữu, hầu hết là xe cũ. Chẳng hạn như với Rolls-Royce, đến nay chỉ có 2 chiếc được mua chính hãng. Trong đó, chiếc Rolls-Royce của nữ đại gia Bạch Diệp được cho là có tính cá nhân hóa nhất, với những thiết kế dành riêng cho chủ nhân.
Chuyện kể rằng khi khách hàng đến mua xe của Rolls-Royce, sẽ có người thợ dùng thước dây để đo chân và cỡ giày của từng người. Làm như vậy, hãng muốn thiết kế chỗ ngồi trong xe sao phù hợp nhất với chủ nhân.
Tất nhiên, khi ấy, người cao 1m8 nặng 80kg sẽ có chiếc Rolls-Royce với kích cỡ khác với người chỉ cao 1m6, nặng 60kg. Nếu một đại gia cao 1m8 lại mua xe cũ của một đại gia chỉ cao 1m6 thì không rõ khi ngồi sẽ như thế nào?
Bespoke - triết lý mà hãng xe Rolls-Royce đưa ra, có nghĩa “giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của khách hàng". Nếu khách hàng muốn dùng cây trong vườn nhà mình làm gỗ trên chiếc Rolls-Royce cũng có thể được. Với xe cũ, đương nhiên các đại gia Việt chẳng được hưởng những điều này.
Chính vì mua xe cũ, nên thời gian qua, nhiều xe Rolls-Royce tại Việt Nam thường bị hỏng giảm xóc. Ngoài nguyên nhân do điều kiện đường sá chưa đảm bảo chất lượng, còn nguyên nhân quan trọng khác mà các kỹ sư của Rolls-Royce chỉ ra là phần lớn xe đang lưu thông tại Việt Nam được nhập khẩu gián tiếp từ một thị trường khác.
Trong khi đó, tất cả xe Rolls-Royce đều được sản xuất với các chi tiết kỹ thuật được chế tạo chuyên biệt theo điều kiện khí hậu và vận hành của từng thị trường. Xe cũ từ thị trường khác về Việt Nam không được địa phương hoá để phù hợp với điều kiện giao thông, dẫn đến hỏng hóc như trên.
Giám đốc của một thương hiệu xe siêu sang mới mở tại Hà Nội cho biết, sau khi đại lý chính hãng đi vào hoạt động, cũng có một vài đại gia Việt đến xem và đặt vấn đề mua. Hai bên đã cùng nhau làm việc và hình dung ra chiếc xe mà khách hàng mong muốn.
Nhưng đến phần chốt giá, đại gia nào cũng lắc đầu, chê giá cao. Có một chi tiết đặc biệt là hầu hết các đại gia đều so sánh với xe cũ, thấy rẻ chỉ bằng một nửa. Họ lại muốn quay sang mua xe cũ vì tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, vị giám đốc này nói.
Có lẽ vì thuế, phí cao "ngất trời" nên một chiếc xe siêu sang khi nhập về Việt Nam có giá cao gấp 2-3 lần xe tại nơi sản xuất, đấy cũng là lý do khiến nhiều đại gia Việt chỉ muốn chơi xe cũ.
Các đại gia Việt chuộng siêu xe nhưng vẫn có thói quen thích đưa xe ra các xưởng bên ngoài cho tiết kiệm.
Tuy nhiên, không chỉ chơi xe second-hand, hầu hết đại gia Việt cũng từ chối luôn dịch vụ sửa chữa chính hãng. Cuối năm 2014 vừa qua, nhiều người đi đường không khỏi ngạc nhiên khi thấy chiếc Rolls-Royce Phantom được nâng gầm bằng kích, thay lốp sau ngay trên vỉa hè giữa Thủ đô. Hình ảnh này khiến nhiều người đặt vấn đề về đẳng cấp đại gia Việt, bởi ở Hà Nội hiện đã có xưởng bảo hành, bảo dưỡng chính hãng xe này.
Nhân viên phụ trách kỹ thuật của một thương hiệu xe siêu sang tại Hà Nội kể rằng, vừa qua, công ty đã lên chương trình tiếp cận một loạt chủ nhân của những chiếc siêu xe, mời đưa xe đến kiểm tra, làm dịch vụ chính hãng, nhưng rất ít trong số đó thực hiện.
Các ông chủ chỉ chịu mang xe đến xưởng sửa chữa chính hãng, khi nó bị hỏng không thể nào chạy được và không nơi nào sửa được. Thậm chí, xe hỏng đưa vào chính hãng chỉ để tìm nguyên nhân, sau đó lại mang ra bên ngoài sửa chữa.
Có xe đến thay dầu, theo quy định, sau hai lần thay dầu thì phải thay lọc dầu, nhưng đại gia còn dặn trước lái xe "nếu bảo thay lọc dầu thì đừng nghe lời nhé", trong khi chiếc lọc dầu không phải quá đắt và người ta có thừa khả năng chi trả.
Với một số bộ phận trong xe, khi tháo ra sửa rồi lắp vào, theo quy định của nhà sản xuất, phải thay hoàn toàn ốc vít, nhưng các đại gia Việt chẳng chấp nhận điều này. Họ cho rằng không cần thiết, vì ốc vít cũ vẫn còn rất tốt.
Dịch vụ chính hãng, đương nhiên sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, bởi có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, có trang thiết bị chuyên dụng cũng như nhận được sự hỗ của các chuyên gia trực tiếp qua mạng Internet. Không chỉ đơn thuần là sửa chữa, mà còn giúp chủ nhân khôi phục lại nguyên trạng xe như ban đầu.
Trong khi, sửa chữa bên ngoài không thể nào đạt được như vậy. Linh kiện thay thế không chính hãng. Thợ không được đào tạo bài bản, thiếu các trang thiết bị chuyên dụng, thậm chí nhà xưởng không đảm bảo vệ sinh... mà đơn giản chỉ là khắc phục sự cố, để cho xe chạy được.
Các đại gia ai cũng biết điều này song vẫn không muốn vào chính hãng vì sợ chi phí cao, vẫn có thói quen thích đưa xe ra các xưởng bên ngoài cho tiết kiệm, nhân viên kỹ thuật này nhận xét.
Một lãnh đạo của hãng xe Rolls-Royce từng phát biểu: “Chúng tôi không bán một chiếc xe để đi lại, mà bán một trải nghiệm, một dịch vụ đẳng cấp cho khách hàng ngay từ khi có ý tưởng đầu tiên về mua xe Rolls-Royce, cho đến hết đời xe”.
Các đại gia Việt đúng là rất thích những thương hiệu xe siêu sang và muốn được sở hữu nó, nhưng lại từ chối sự phục vụ đẳng cấp. Có ý kiến cho rằng, bây giờ nhà giàu thì nhiều chứ sang thì ít lắm. Vì, chuyện ăn chơi là phải có cái gốc, có văn hóa, chứ không đơn giản cứ thắng chứng khoán, bất động sản... kiếm được mớ tiền, rồi tậu một “con” xe sang mà thành người sang được.
Đại gia Việt, không ít người nghĩ rằng, chỉ cần cưỡi Rolls-Royce, Bentley ra đường là đã khẳng định đẳng cấp, người ta nhìn thấy là đủ choáng rồi, chứ dân ta mấy ai phân biệt được thế nào là xe thửa riêng với xe mua lại.