Những vị đại gia nổi tiếng lừng lẫy một thời này từng là biểu tượng của sự thành công và từng là "quan lớn" trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, họ cũng không tránh được lúc “sa cơ lỡ vận” và rơi vào vòng lao lý khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Bầu Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB
Bầu Kiên có lẽ là đại gia Việt bị bắt giữ gây rúng động cho dư luận nhiều nhất từ trước tới giờ. Gần cuối tháng 8/2012, hầu như dư luận cả nước không thể tin nổi vào sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ về một số sai phạm liên quan tới hoạt động kinh doanh của ông này. Bầu Kiên được biết đến như 1 doanh nhân đầy quyền uy. Ông được biết đến như 1 trong những ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng và nổi như cồn khi bước qua lĩnh vực bóng đá Việt.
Sau một thời gian tạm giam, bầu Kiên hầu tòa với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; và trốn thuế. Vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB do bầu Kiên cầm đầu được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vào diện án điểm.
Nguyễn Đức Kiên (sinh ngày 13/4/1964 tại Hà Nội) trước khi bị bắt là thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Ngoài ra ông Kiên hiện còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Chủ tịch HĐQT công ty Thiên Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Chợ Lớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, phó chủ tịch Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội...
Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines
Ngày 17-5-2012, CQĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (theo Điều 165 - BLHS). Tuy nhiên, bị can Dương Chí Dũng đã bỏ trốn. Kiên trì thuyết phục gia đình, thân nhân của Dương Chí Dũng vận động bị can ra đầu thú, nhưng không có kết quả, ngày 18-5, CQĐT đã phát lệnh truy nã đặc biệt số 01/C48-P2 trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với Tổ chức CSHS quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, sau thời gian khẩn trương tiến hành các biện pháp truy bắt, ngày 4-9, CQĐT đã bắt được Dương Chí Dũng; đồng thời khẩn trương xác minh để xử lý những ai có hành vi che giấu, tiếp tay cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines trong quá trình bỏ trốn.
Ông Dũng sinh năm 1957, quê quán Hải Dương, được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8-2005; đến tháng 7-2011, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Tháng 2-2012, ông Dũng được điều động sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải thuộc Bộ GTVT.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng, thời điểm điều hành Vinalines, Dương Chí Dũng đã có dấu hiệu, hành vi sai phạm nghiêm trọng về kinh tế trong thương vụ nhập, mua ụ nổi 83M. Tháng 1-2012, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng - Bộ Công an phát hiện và tổ chức xác minh dấu hiệu sai phạm trong quá trình sửa chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam.
Ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Ocean Bank
Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương(Ocean Bank) để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật hình sự.
Ít giờ sau khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, cơ quan CSĐT đã khám xét nơi ở và làm việc của cựu Chủ tịch Ocean Bank tại Hà Nội.
Theo đó, việc khám xét được thực hiện đồng thời tại toà nhà chung cư StarCity 81 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) - nơi gia đình ông sở hữu một căn penthouse và toà nhà Daeha 360 Ngọc Khánh (Ba Đình) - nơi có văn phòng của Ocean Bank.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo về việc đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm để phục vụ việc xử lý các vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành thanh tra pháp nhân, thanh tra chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. Qua thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hiện một số vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cá nhân ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
Để xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật và bảo đảm Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương hoạt động an toàn, ổn định và đúng pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đình chỉ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương đối với ông Hà Văn Thắm.
Theo Bảo An/Người đưa tin