Liên quan đến thông tin ly hôn giữa mình và chồng Đặng Lê Nguyên Vũ, chiều 14/12, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã lên tiếng.
Theo đó, thông tin trên Trí Thức Trẻ cho hay, chiều 14/12/2015, Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) đã phát đi thông cáo báo chí phản hồi về một số thông tin liên quan tới vấn đề pháp lý giữa bà và ông Vũ và hoạt động của công ty.
Liên quan đến vấn đề pháp lý giữa cá nhân ông Vũ và bà Thảo, bà Thảo nhấn mạnh hiện sự việc đang được giải quyết trên cơ sở tôn trọng pháp luật và phán quyết của tòa án. Khi có kết quả cuối cùng, công ty sẽ có thông báo cụ thể. Bà Thảo mong muốn những việc cá nhân hay gia đình không ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Bên cạnh đó, Trung Nguyên IC dẫn lời bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng giám đốc công ty, khẳng định, các hoạt động kinh doanh của công ty đang tiến triển rất tốt, các dự án đang triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Internet |
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng cho hay, các nhà máy vẫn hoạt động ổn định để duy trì lượng cung đều đặn cho thị trường và một lượng lớn cho xuất khẩu. Do vậy, thị trường không hề thiếu cà phê G7 như được đồn thổi.
Cũng theo tờ báo này, một điểm đáng chú ý là thông cáo báo chí này đã nhấn mạnh vai trò của bà Thảo là: “người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty Trung Nguyên International Singapore, Tổng giám đốc công ty Cổ phần cà phê Hoà tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), đồng sáng lập và đồng sở hữu Công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Bà Diệp Thảo là người đưa cà phê Trung Nguyên, đặc biệt là thương hiệu G7 ra quốc tế.
Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng đã lên tiếng “tố” ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Thành viên HĐQT Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) đã “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín” của bà.
Theo đó, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải Công văn số 08.2015/TBCTHĐQT ngày 16/11/2015 gửi đối tác, khách hàng và nhân viên Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo khẳng định các văn bản ban hành gần đây của ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ khiến dư luận hiểu sai bản chất vụ việc tranh chấp thành viên công ty mà còn bộc lộ dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vì vậy, bà tuyên bố bác bỏ tất cả các văn bản này.
Cụ thể, các văn bản đó là Biên bản cuộc họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT, các Thông báo liên quan đến việc chấm dứt tư cách người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của bà Thảo đối với Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
“Các cuộc họp HĐQT liên quan đến nội dung thông qua việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên không đảm bảo tính pháp lý và không phù hợp với diễn biến thực tế quá trình giải quyết việc ly hôn giữa cá nhân tôi và ông Đặng Lê Nguyên Vũ”, báo PLVN dẫn lời bà Thảo.
Tập đoàn Trung Nguyên do ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập năm 1996, đã mau chóng khẳng định tên tuổi và trở thành “ông lớn” trong ngành cà phê Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên có 3 mảng chính gồm Kinh doanh - chế biến cà phê, bán lẻ và nhượng quyền thương hiệu (franchising).
Mảng kinh doanh – chế biến cà phê của Trung Nguyên bao gồm CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group), CTCP Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk và CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Trong đó, Trung Nguyên Group đóng vai trò là công ty trung tâm của cả hệ thống Trung Nguyên, chịu trách nhiệm chính đối với việc sản xuất cũng như phân phối đối với hoạt động kinh doanh.
Công ty Cà phê Trung Nguyên tại Đăk Lăk có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, quản lý Nhà máy cà phê Buôn Ma Thuột chuyên về chế biến hạt cà phê, cà phê rang xay.
Các sản phẩm cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên được sản xuất tại 1 trong 3 nhà máy, bao gồm nhà máy tại Dĩ An (Bình Dương) và Bắc Giang thuộc quản lý của CTCP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và nhà máy Cà phê Sài Gòn tại Mỹ Phước (Bình Dương) thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên.
Nam Nam (tổng hợp)