Theo tin tức từ Pháp luật TP HCM, dữ liệu mới nhất cập nhật từ Bộ Công thương, ngày 22/9, giá xăng A95 nhập từ Singapore chỉ còn 96 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 13/1, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 23.870 đồng/lít. Nếu trừ thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 20.570 đồng.
Về giá dầu thô trên thế giới, trong phiên giao dịch ngày 22/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 82,82 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên. Giá dầu Brent giao tháng 11/2022 đứng ở mức 89,55 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng trong phiên.
Có thể thấy, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh do thị trường lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu giảm trong bối cảnh áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày một lớn. Cùng với đó là thông tin nhu cầu xăng ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Điều này đã tạo áp lực khiến giá xăng hôm nay giảm mạnh.
Với giá xăng dầu trong nước, chiều ngày 21/9, giá xăng dầu trong nước được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần.
Trong kỳ điều hành ngày 21/9, Liên Bộ quyết định giảm thêm 450 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, còn giá xăng RON 95 giảm 630 đồng/lít. Cụ thể, giá bán lẻ xăng RON 95-III và E5 RON 92 với mức giá lần lượt là 22.580 đồng/lít - 21.780 đồng/lít.
Cũng trong kỳ điều hành này, giá bán đối với mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm mạnh. Theo đó, giá dầu diesel giảm 1.650 đồng, về mức 22.530 đồng; dầu hoả hạ 1.970 đồng, còn 22.440 đồng một lít. Dầu madut có kỳ giảm thứ 3 liên tiếp, về mức 14.650 đồng mỗi kg (tương đương hạ 380 đồng).
Liên quan đến giá xăng dầu, tin tức từ Thanh Niên cho hay, tại phiên thảo luận trong Diễn đàn kinh tế xã hội 2022 tổ chức tại Hà Nội hôm qua (18/9), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đã giao cho cơ quan này nghiên cứu để trình Quốc hội giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu tại kỳ họp tới (dự kiến kỳ họp Quốc hội tới diễn ra từ ngày 20/10 - 19/11).
Theo ông Chi, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thêm thuế với xăng dầu (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt...) để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.