Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 15/7 tiếp tục giảm mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân mỗi thùng xăng RON 92 là 112,7 USD/thùng; mỗi thùng xăng RON 95 là 117,4 USD. Các loại dầu cũng có xu hướng giảm với dầu diesel là 134,23 USD/thùng…
Trong khi đó, ở kỳ điều hành trước, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 128,7 USD/thùng xăng RON 92; 136,53 USD/thùng xăng RON 95 và 146,7 USD/thùng dầu diesel.
Theo dự báo của các chuyên gia, do Giá dầu thế giới giảm mạnh trong tuần qua nên nếu cơ quan điều hành không trích lập quỹ bình ổn giá thì xăng nhiều khả năng sẽ giảm sâu khoảng 2.500 - 3.500 đồng/lít.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế VAT đối với xăng và dầu đồng thời giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nếu được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế lên các thành viên của Chính phủ. Nếu được Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp gần nhất, dự kiến vào tháng 10 tới.
Tại cuộc họp mới nhất của Ban Điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thời gian tới tình hình diễn biến khó lường, áp lực tăng giá, kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán kỹ, nếu còn dư địa thì đề xuất cấp có thẩm quyền giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, tránh tác động lớn đến CPI, Người lao động đưa tin.
Trong kỳ điều hành gần nhất hôm 11/7, lần đầu tiên giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, về ngưỡng dưới 30.000 đồng/lít nhờ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giảm về mức sàn và tác động từ giá dầu thế giới giảm.
Điều đáng nói là ở kỳ điều hành ngày 11/7, đáng lẽ giá xăng có thể giảm 4.500 - 5.000 đồng/lít, nếu cơ quan điều hành giá không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức gần 1.000 đồng/lít đối với xăng và 550 - 950 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut trong kỳ điều hành này. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cơ quan điều hành phải trích lập bình ổn giá vào xăng dầu là do quỹ bình ổn đã được sử dụng liên tục để bình ổn giá xăng dầu trong nước nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp đã bị âm.
Thời điểm giá dầu biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều, thậm chí có thời điểm bị âm hàng trăm tỷ đồng, việc giảm thuế, phí là công cụ duy nhất giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.
Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.