Nếu nghị định bắt buộc phải dán tem trên các sản phẩm bia chính thức có hiệu lực thì mỗi năm người uống bia ở Việt Nam sẽ phải trả thêm 17.000 tỉ đồng cho những sản phâm bia.
Sau khi nghị định về quản lý và sản xuất kinh doanh bia được đưa ra, không ít ý kiến cho rằng, nghị định này không hợp lý và vô hình chung sẽ gây tốn kém cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia cũng như người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, khoản 1 Điều 8 dự thảo nghị định này nêu: “Bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường VN phải dán tem trên bao bì sản phẩm”.
Thực tế, sự cần thiết phải đưa lĩnh vực sản xuất kinh doanh bia vào quản lý quy củ là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quản lý thế nào, quy định sao cho hợp lý rõ ràng chưa bao giờ là điều đơn giản.
Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương với 10 tỉ sản phẩm bia. Trong khi giá 1 con tem dán lên sản phẩm bia dao động ở mức từ 600 đến 700đ/tem. Như vậy, nếu tính số bia tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, mỗi năm chi phí cho việc dán tem sẽ ngốn của các công ty sản xuất bia tới 17.000 tỉ đồng. Việc dán tem trên mỗi sản phẩm bia cũng đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng ở Việt Nam sẽ phải trả thêm 17.000 tỉ đồng nữa cho việc uống bia.
17.000 tỉ đồng không phải là con số nhỏ và tem bia không hề là câu chuyện đơn giản. Trong nhiều ngày qua, một loạt doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia lên tiếng phản đối qui định này.
Trước những ý kiến trái chiều nhau về qui định này, mới đây, tại hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội DN về nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ: “Nếu đưa được việc dán tem vào thực tế thì sẽ quản lý được việc thu ngân sách nhà nước, đồng nghĩa với việc tăng ngân sách nhà nước. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở dự thảo, nếu thực hiện được thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn."
Theo Tùng Đỗ/Người Đưa Tin