Sau 5 năm chờ đợi, 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức tuyên bố kết thúc thắng lợi vòng đàm phán và đạt được thoả thuận mang tính lịch sử.
Vào buổi tối ngày hôm qua (5/10), Bộ trưởng 12 nước thành viên của Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận lịch sử giữa các quốc gia sau hơn 5 năm dài chờ đợi.
Hiệp định TPP hoàn tất quá trình 5 năm đàm phán. Nguồn: Internet |
Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ, phát biểu trước báo giới: "Chúng tôi, các bộ trưởng thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, vui mừng thông báo rằng, chúng ta đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)".
Theo đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhận định rằng TPP là hiệp định của thế kỷ 21. Với các tiêu chuẩn ở đẳng cấp cao, toàn diện và cân bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Đồng thời, TPP cũng được cho là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói nghèo, tăng cường minh bạch trong chính phủ của các nước thành viên.
Đồng thời, Hiệp định TPP cũng được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Sau khi hoàn tất và được quốc hội các nước chấp nhận và thông qua, TPP sẽ đóng góp 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Ngay sau khi thông báo vòng đàm phán thành công, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ca ngợi kết quả trên đã tạo ra sân chơi cho những nông dân, các chủ trang trại và nhà sản xuất Mỹ cũng như giúp nước này đạt được nhiều mục tiêu khác trong tương lai gần.
Đại diện Thương mại Australia, ông Andrew Robb cũng có chung quan điểm: "Thỏa thuận này hoàn toàn là bước chuyển biến lớn. Đây là thỏa thuận lớn nhất và tham vọng nhất liên quan đến các quốc gia và là thỏa thuận quan trọng nhất mà các nước đã đạt được trong 20 năm qua kể từ vòng đàm phán Uruguay. Tôi tin rằng nó sẽ định hình tương lai thế kỷ 21".
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, phản đối hiệp định lịch sử sau khi hoàn tất đàm phán. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders Mỹ đã lên án hiệp định TPP. Ông cho rằng thỏa thuận thương mại này sẽ gây ra tổn hại lớn cho người tiêu dùng và thị trường việc làm của quốc gia này. Thậm chí, thượng nghị sĩ Orrin Hatch, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho biết: "Tôi lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ nhanh chóng sụp đổ một cách thảm hại”.
Tuy nhiên, xét một cách toàn diện TPP sẽ là chìa khóa quan trọng giúp nền kinh tế của nhiều quốc gia thoát khỏi sự đeo bám dai dảng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008. Còn Riêng với Việt Nam, theo ý kiến của ông Adam Sitkof, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ: "TPP là hiệp định cực kỳ quan trọng với các mối quan hệ kinh tế song phương nói chung và quan hệ Việt - Mỹ nói riêng. TPP sẽ thay đổi môi trường kinh doanh Việt Nam, cung cấp những cơ hội mới để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa".
Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hiệp định TPP. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về hiệp định TPP tại đây
Trên báo Thanh Niên đăng tải ý kiến của tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp định TPP được ký kết rất có ý nghĩa với Việt Nam. “Việc tham gia TPP, có hai kịch bản: GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tương ứng 68 tỉ USD và 36 tỉ USD hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP”, ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, TPP rất có giá trị với Việt Nam vì tham gia TPP có nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia… vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhiều mặt hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. “Bên cạnh đó, dòng vốn FDI từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý”, ông Thành nhấn mạnh. Cũng theo ông Võ Trí Thành, việc thực thi cam kết TPP cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài. |
Nhân Văn (tổng hợp)