(Tinmoi.vn)
(Tinmoi.vn) Mọi thứ diễn ra quá nhanh! Những thương vụ mua bán "khủng", những bản hợp đồng trị giá tỷ đô, những chiến lược kinh doanh tầm cơ và quy mô. Đại gia Thái đang thực sự xác lập vị thế của mình trên thương trường Việt Nam.
Sự đổ bộ của người Thái
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, dư luận trong nước xôn xao trước việc một loạt đại gia Thái Lan đổ bộ vào thị trường Việt Nam và nhanh chóng thâu tóm những thương hiệu nổi tiếng.
Đầu tháng 8/2014, Chủ tịch Tập đoàn Metro (Đức) gây chấn động dư luận khi chính thức ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro tại Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng).
Trước đó 2 năm, giới đầu tư đã chứng kiến tỷ phú Thái Lan Kan Trakulhoon, ông chủ Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) dễ dàng mua lại 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group - nhà sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam với giá khoảng 240 triệu USD để trở thành công ty gạch lớn nhất thế giới.
Gần đây nhất, cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk, F&N Dairy Investments đã mua thêm 15 triệu cổ phiếu Vinamilk (VNM) từ các nhà đầu tư nước ngoài khác. Số tiền mà F&N của tỷ phú Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakd bỏ ra cho thương vụ này ước tính lên tới 1.800 tỷ đồng, giúp cho F&N nâng sở hữu tại Vinamilk lên hơn 110 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 11% cổ phần. Tổng số cổ phiếu mà F&N đang nắm giữ tại Vinamilk có giá trị khoảng 12.400 tỷ đồng (590 triệu USD) và chỉ còn đứng sau cổ đông đại diện cho Nhà nước Việt Nam là SCIC.
Tham vọng của người Thái và sự lo lắng của doanh nghiệp Việt
Có một điều rất đặc biệt ở người Thái là họ họ ít quan tâm đễn diễn biến hiện tại và những câu chuyện trong quá khứ, cái mà họ cần là một thị trường tiềm năng. Cách đây vài năm, khi kinh tế Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn đang trên đà trượt dốc, tỷ phú Chearavanont, người mới đây, đã có bài phát biểu đáng chú ý tại một diễn đàn dành cho doanh nhân tại Bangkok rằng, ông dự đoán “một bước nhảy vọt nữa” tại Trung Quốc, và hối thúc các công ty Thái Lan đầu tư vào đây. Tiên đoán này ngay lập tức chiếm được lòng tin của hàng loạt doanh nhân Thái Lan. Họ đổ xô vào thị trường này và thực tế cho thấy, Trung Quốc đang và đã trở thành một thế lực thực sự trong nền kinh tế thế giới.
Với Việt Nam cũng vậy! Người Thái không bỏ ra hàng trăm triệu USD chỉ để thử sức mình? Những tính toán, chiến lược kinh doanh đã được định hình sẵn ngay khi họ có kế hoạch đầu tư.
Tỷ phú Dhanin Chearavanant hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp trong cả chục năm qua. Người đàn ông giàu nhất Thái Lan này là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Công ty Chaoren Pokphand của ông hiện chiếm hơn 1/4 xuất khẩu thịt gà của Trung Quốc. Tỷ phú này hiện đang thống trị mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gà công nghiệp tại Việt Nam với Doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam được xem rất giàu tiềm năng. Thêm nữa, dù thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam, nhất là lĩnh vực chăn nuôi đang bị phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài, từ thức ăn đầu vào cho tới chế biến và xuất khẩu. Thương vụ mua lại Metro Việt Nam có thể sẽ chỉ là khởi đầu cho những tham vọng của tỷ phủ người Thái trong tương lai.
Nguy cơ thị trường bán lẻ đầy triển vọng của Việt Nam sẽ bị áp đảo bởi người Thái là một thực tế đang hiển hiện trước mắt. Ông Chearavanont không dễ dàng bỏ gần tỷ USD chỉ để nhón nhận thất bại. Với sự có mặt của đại gia này với tư cách là ông chủ của Metro Việt Nam, nhiều mặt hàng Thái Lan sẽ có chỗ đứng nhất định tại các hệ thống phân phối bán lẻ của Metro. Nên nhớ rằng từ lâu hệ thống bán lẻ của Metro luôn ở vị trí top đầu trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Thực tế, Thái Lan ở rất gần Việt Nam. Với hệ thống giao thông thuận lợi, cùng nhiều ưu đãi thuế quan, khả năng rất cao là hàng hóa Thái Lan được chuyên chở đến TP Hồ Chí Minh rồi sau đó là Hà Nội. Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng trong nước vốn có tâm lý thích dùng hàng Thái vì chất lượng tốt, nên bây giờ, nếu như hàng Thái Lan tràn ngập thị trường thì đó sẽ là mối lo lớn cho hàng Việt.
Không chỉ các chuyên gia lo lắng mà ngay các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cũng có phần e ngại trước động thái Metro Việt Nam bị người Thái mua lại. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, hệ thống Metro ít bán hàng dệt may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Nay, có thể hàng dệt may trong Metro sẽ còn ít hơn nữa do chủ Metro sẽ đưa hàng Thái vào”, ông Trường lo lắng.
Thương trường là chiến trường, một nền kinh tế mở cửa hội nhập sẽ luôn công bằng với tất cả. Nhưng đứng trước sức ép vô cùng lớn từ hàng Trung Quốc và giờ có thể sẽ là hàng Thái, doanh nghiệp Việt sẽ ra sao? Từ lâu, doanh nghiệp Việt đã thất bại ngay trên sân nhà trước hàng Trung Quốc. Còn giờ là sự đổ bộ và tham vọng của người Thái.
Tùng Đỗ