Khi mua xe cũ, dù mua trực tiếp từ chủ xe hay từ các salon ôtô, bạn cần kiểm tra tổng quát chiếc xe đó trước khi nhờ thợ máy kiểm định lại lần cuối cùng. Bạn không cần phải là một người thợ chuyên nghiệp để có thể kiểm tra chiếc xe một cách tỉ mỉ.
Khi đi xem xe, bạn không nên mặc đồ mới và hãy nhờ người quen đi cùng để giúp đỡ bạn. Chiếc xe phải được đậu trên một bề mặt tương đối phẳng, tại nơi có đầy đủ ánh sáng, và xe phải không được chạy ít nhất là trong vòng 1 giờ đồng hồ trước khi bạn đến xem nó.
Đầu tiên, bạn hãy đi quanh xe để kiểm tra xem chiếc xe có cân bằng hay không. Nếu xe bị nghiêng, có thể hệ thống treo bị trục trặc hoặc bạc đạn của các bánh xe bị bể. Để kiểm tra hệ thống giảm xóc, bạn hãy đè mạnh lên góc xe nơi bạn muốn kiểm tra rồi thả ra thật nhanh, nếu hệ thống giảm xóc hoạt động tốt thì xe sẽ bật trở lại và chỉ nhún 1 hay 2 lần.
Nếu xe nhún nhiều lần, bạn nên nhờ thợ máy xem lại hệ thống giảm chấn vì trong trường hợp này, hệ thống giảm chấn (phuộc dầu) có thể đã bị yếu và cần được phục hồi. Để kiểm tra bạc đạn, bạn hãy nắm từng bánh xe và lắc mạnh. Nếu bạn nghe có tiếng kim loại va chạm nhau, thì các bạc đạn của bánh xe hoặc các ru tin hay cao su gầm của hệ thống treo có thể đã bị hỏng hay bể.
Kiểm tra tình trạng thân xe
Kiểm tra từng đường nối của thân xe và mui xe, xem có vết trầy xướt, vết lõm hoặc rỉ xét không. Các đường nối phải đều và bề mặt gần đường nối phải gống nhau. Bạn nên lưu ý kiểm tra kỹ khe hở giữa các ốp dè (ốp chắn bùn) và cửa xe. Nếu đường hở lớn, có thể xe đã được lắp rắp không hoàn chỉnh hoặc đã bị sửa chữa.
Để biết xe có bị va chạm hay chưa, bạn có thể hỏi chủ xe. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn phải biết cách tự kiểm tra lấy. Một trong những cách kiểm tra tương đối dễ thực hiện là kiểm tra màu sơn. Nếu một phần thân xe được sơn lại, màu sơn ở đó có thể sẽ không giống như màu sơn zin, vì khi sơn lại, màu sơn mới rất khó tiệp màu với nước sơn ban đầu. Bạn hãy kiểm tra màu sơn ở cạnh (phần nối) của các vỏ thân xe. Với các xe đã được sơn lại một phần, đây là nơi bạn có thể phát hiện sự khác biệt màu sơn dễ dàng nhất. Nước sơn mới thường có độ phản chiếu nhiều hơn so với nước sơn zin nhưng lại không bền bằng và mau xuống màu hơn.
Đôi khi, bạn phải cần kiểm tra kỹ bằng cách cúi nhìn thật gần trên bề mặt vỏ thân xe và từ từ di chuyển tầm nhìn để phát hiện vết gợn trên bề mặt. Nếu bạn nghi ngờ xe đã được vá đắp, hãy đặt nam châm vào nơi bạn nghi ngờ. Nếu phần xe bị lõm nhưng được vá đắp lại bằng chất dẻo, nam châm sẽ không hít (phần kiểm tra này không có tác dụng với xe sử dụng hợp chất sợi thủy tinh cho thân xe).
Để kiểm tra xem xe có bị sơn lại hay không, bạn cũng nên kiểm tra các khung cửa xe, nắp ca-pô và nắp khoang hành lý phía sau. Nếu xe được sơn lại, bạn có thể phát hiện được dấu “sơn chồng” hoặc vết sơn dính vào các nẹp cao su quanh cửa xe. Bạn cũng cần đặt biệt lưu ý kiểm tra mặt dưới của nắp ca-pô và nắp khoang hành lý nhằm phát hiện được những dấu hiệu cho biết xe đã qua sữa chữa. Thông thường, những phần này không được chú ý nhiều khi sửa chữa và phần hoàn thiện sẽ không “tinh xảo” bằng phía bên ngoài.
Nếu xe chỉ bị một vài vết xước nhỏ thì bạn không cần phải quan tâm, nhưng nếu khung xe bị rỉ sét thì đó lại là một chuyện khác. Bạn cần phải kiểm tra cẩn thận các chỗ sơn bị giộp hoặc nơi có dấu hiệu rỉ sét, nhất là ở phần lồng vè và phần dưới của các cửa xe. Bạn có thể cần phải sử dụng đến đèn pin khi kiểm tra các dấu hiệu bị rỉ sét ở những nơi khuất sáng.
Bạn hãy lần lượt mở và đóng các cánh cửa, nắp capô và khoang hàng lý (có thể một hay nhiều lần) để kiểm tra xem chúng có vận hành một cách dễ dàng và khi đóng lại có khớp nhau không. Để kiểm tra độ rơ của cửa xe, bạn hãy hơi nâng từng cánh cửa và buông ra, đặc biệt là đối với cửa phía người lái. Nếu bản lề cửa bị lỏng thì xe này đã được sử dụng nhiều. Bạn cũng nên kiểm tra các nẹp cao su viền quanh các cánh cửa và đảm bảo rằng các miếng nẹp này phải còn nguyên vẹn. Nếu các nẹp cao su bị lỏng, thiếu hoặc hư, thì độ kín bên trong xe sẽ giảm và nước có thể sẽ rỉ vào.
Kiểm tra hệ thống đèn
Bạn hãy nhờ người bạn đi cùng đứng ngoài và kiểm tra khi bạn thử hệ thống đèn. Bạn hãy thử toàn bộ các đèn gồm đèn cốt, đèn pha, đèn thắng, đèn xi nhan và các đèn khác được gắn theo, ví dụ xe như đèn sương mù. Các thấu kính của bóng đèn phải còn đầy đủ và nguyên vẹn, không bị nứt, vỡ hay bị mốc.
Kiểm tra lốp xe
Kiểm tra lốp xe sẽ cho bạn biết thêm nhiều điều về chiếc xe. Nếu xe chạy dưới 50,000 km, có nhiều khả năng chiếc xe ấy vẫn còn sử dụng lốp xe zin. Nếu 1 chiếc xe có số km trên đồng hồ thấp nhưng đã được thay lốp mới thì bạn cần phải nghi ngờ. Quay vô lăng để đưa các bánh xe về hết bên trái hoặc bên phải để xem các vỏ xe có cùng một nhãn hiệu và có kích cỡ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay không (ngoại trừ các xe đặc biệt như xe các xe thể thao thì có kích cỡ vỏ xe khác nhau). Nếu các vỏ có nhãn hiệu và kích cỡ khác nhau, hỏi người bán về các khác biệt này.
Thông thường, độ mòn của lốp xe sẽ phân bố đều trên bề mặt lốp. Các lốp xe hai bên xe cũng mòn đều nhau. Bạn hãy hỏi chủ xe xem lốp xe có được thay đổi thường xuyên từ trước ra sau và ngược lại không. Nếu không thường xuyên đổi, độ mòn của các bánh dẫn động thường nhiều hơn độ mòn của các bánh còn lại.
Xe của những lái xe bất cẩn thường có lốp xe bị mòn nhiều ở cạnh ngoài do người lái lạng lách nhiều và hay tăng giảm tốc đột ngột. Khi xem xe, nếu bạn thấy lốp xe mòn nhiều ở cạnh ngoài, có lẽ gầm bệ của chiếc xe này đã không còn tốt.
Để kiểm tra độ sâu rãnh của vỏ xe, bạn có thể sử dụng sử dụng cụ các chuyên dùng ở các cửa hàng bán phụ tùng xe ôtô. Về mặt nguyên tắc thì độ sâu rãnh của vỏ xe phải là 2.5 cm. Nếu bạn nhận thấy lốp xe mòn không đều, bạn cần phải lưu ý một số trường hợp. Trường hợp nhẹ thì có thể là do vỏ xe không được lắp ráp đúng cách, trường hợp nặng hơn thì có thể là do hệ thống treo có vấn đề. Nếu nghi ngờ hệ thống treo, bạn hãy nhờ thợ máy kiểm tra lại một cách kỹ lưỡng. Lốp xe bị mòn không đều sẽ khiến tay lái bị rung khi chạy ở tốc độ cao.
Khi kiểm lốp xe, bạn hãy chú ý kiểm tra mặt ngoài của vỏ xe xem có vết trầy, nứt hoặc bị phù không. Bạn cũng cần kiểm tra các vành bánh xe xem có bị mẻ hoặc nứt không. Vết mẻ hoặc nứt là do xe va chạm mạnh với “ổ gà” hay lề đường. Những va chạm này sẽ khiến cho bánh xe bị lệnh. Nếu nghiêm trọng hơn, nó sẽ gây ra những hư hỏng đối với hệ thống treo.
Kiểm tra hệ thống thắng
Bạn cần kiểm tra các rôto của thắng đĩa. Hầu hết các xe được trang bị hệ thống thắng đĩa ở phía trước và hệ thống tang trống ở phía sau; một số xe được trang bị thắng đĩa cả hai phía trước và sau. Sử dụng đèn pin để kiểm tra các đĩa thắng, bề mặt đĩa phải bằng phẳng và không có các rãnh trầy sâu ở mặt đĩa. Đừng lo lắng về các vết bụi hoặc vết dơ trên mặt dĩa - khi bạn thử chạy và đạp thắng, đĩa thắng sẽ trở nên sạch sẽ.
Kiểm tra kính xe
Kiểm tra kỹ bề mặt kính xe: kính trước, kính sau, và kính các cửa sổ. Đảm bảo rằng kính xe không có một vết nứt nhỏ nào. Một vết rạn nhỏ trên kính do đá va vào có thể không làm bạn để ý, nhưng dần dần vết nứt sẽ lớn lên và chi phí để thay thế sẽ rất tốn kém. Nếu phát hiện vết nứt, bạn không nhất thiết phải quá lo lắng, nhưng bạn có thể sử dụng nó như một trong những yếu tố khi thương thảo giá.
T.V