Đại gia đồng nát là tên người dân các vùng khác đặt cho những người dân ở làng Quan Độ,. Bởi họ đã biến đồ phế liệu thành trăm tỷ.
Phất lên nhờ thu mua sắt vụn
Cách Hà Nội chưa đầy 30km, Văn Môn xưa kìa là một xã thuần nông thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Con đường từ Hà Nội qua Từ Sơn (Bắc Ninh) hai bên gần như đô thị hóa với các nhà cao tầng mọc lên san sát.
Vừa bước tới đầu làng đã có thể quan sát được hai bên đường là ngổn ngang những cuộn cáp cao quá đầu người, những bãi phế liệu rộng chất nhôm, sắt thép cao như núi và cả những bãi rác sau khi đã đốt cháy.
Làng Quan Độ trở thành làng tỷ phú nhờ mổ xác máy bay, buôn đồng nát |
Càng tiên sâu vào trong làng càng choáng ngợp. Cả làng giờ đây nhìn không khác gì một bãi công trường rộng lớn, chỗ thì tháo dỡ máy móc, chỗ thì tuốt dây cáp, lấy lõi đồng, nhôm... Rồi lại chí chat cưa đục, những hàng xe cẩu ra vào tấp nập chuyển hàng. Hàng ngày có hàng trăm lao động từ các làng bên sang Quan Độ để làm thuê.
Đặc biệt hơn khi trong làng toàn là những căn biệt thự tiền tỷ nằm san sát nhau, ngoài đường đỗ không biết là bao nhiêu ô tô đời mới với các nhãn hiệu như Lexus, Camry, BMW,…
Qua tìm hiểu từ báo An ninh thế giới, khoảng 30 năm trước, làng Quan Độ ngèo xơ ngèo xác. Với làng nghề truyền thống là nấu rượu, mỗi lần người dân Quan Độ lại quảy quai gánh đi khắp ngõ ngách làng quê, phố phường miền Bắc để bán vài ba can rượu nhỏ. Theo thời gian, nghề nấu rượu mai một dần dần vì không ai sống được bằng nghề này mãi, các chị em phụ nữ trong làng chuyển sang nghề thu mua đồng nát. Hàng ngày từng tốp phụ nữ quảy quai gánh đổ ra tứ xứ đi thu mua từng nồi gang, can nhựa, ít lông vịt, lông ngan,...Từ việc buôn bán nhỏ lẻ người dân ở đây tính chuyện làm ăn lớn hơn khi lần mò vào các doanh nghiệp, xí nghiệp mua lại các đồ thanh lý như đồng nát về bóc tách để bán kiếm lời.
Một cán bộ xã Văn Môn cho biết, làng Quan Độ có gần 700 hộ dân thì quá nửa tham gia nghề thu mua đồng nát. Số ruộng trong làng đến 90% là cho người khác thuê, dân ở đây hầu như chẳng ai làm lúa nữa.
Sau 30 năm lăn lộn mưu sinh thì nay làng Quan Độ lại nổi tiếng là làng “mổ xác máy bay”, thu mua sắt vụn. Dạo quanh làng một vòng sẽ có rất nhiều công trường chuyên “mổ” xác máy bay. Ngay trên lối bê tông đi vào làng đã ngổn ngang một dãy thân xác máy bay to, tròn, dài, từ MiG 19, MiG 21 đến IL18, có cái còn nguyên vỏ, cái thì trơ ra chỉ còn lại động cơ,... Không khí trong làng luôn tất bật, khẩn trương, khách đến thăm cũng nhiều mà kẻ bán người mua cũng không thiếu.
Trong đống xác máy bay cao ngất ngưỡng là 2,3 người đàn ông hì hục tháo, dỡ, lấm lem mặt mũi. Sử dụng những công cụ thô sơ như búa đục, cuốc chim, xà beng, đèn khò,... những chiếc máy bay đã được thợ xẻ phân loại ra rõ ràng. Tuy nhân lực ít nhưng việc mổ xẻ máy bay đối với họ đã quá quen tay, để tháo rời mỗi cái máy bay chỉ mất khoảng 3-4 công.
Tại công trường, ông Nguyễn Thanh Long, đại gia có tiếng buôn bán và chỉ huy công trường mổ xác máy bay. Khi nói về xác chiếc IL18 của Nga: cái máy bay trông thì đồ sộ thế thôi chứ trông vào nhôm chẳng được bao nhiêu tiền. Chủ yếu là đắt ở những chi tiết máy bay gồm các dây dẫn, giác cắm và một số bộ phận khác không được gọi bằng tên thông thường, ở đó có những hợp kim khá đắt tiền.
Năm 2013, có một vụ đấu thầu mua lại một nhà máy xi măng lò đứng vùng Đông Bắc đã thành phế liệu, chỉ nửa tháng sau làng Quan Độ lại có đầy đủ công nghệ xi măng lò đứng đang được các thợ xẻ phá rã, phân loại gang ra gang, thép ra thép.
Giờ đây nghề bới rác thành vàng ở làng Quan Độ đã được chuyên nghiệp hóa. Dân trong nghề được phân ra làm 2 dạng chính. Một cánh chuyên đi thăm dò, tham gia đấu thầu các gói hàng đang thanh lý. Sau khi thắng thầu sẽ đưa về làng và sang tay cho cánh thứ hai chuyên nghề mổ xẻ thịt.
Được biết, mỗi ngày làng Quan Độ nhập về làng hàng tấn phế liệu. Việc phá dỡ, phân loại hàng rất cần nhiều công nhân, khi nhân công trong làng không đủ thì còn phải thuê thêm bên ngoài. Người làm thuê cũng kiếm được dăm bảy chục mỗi ngày.Nhờ vậy Quan Độ không còn hộ nghèo, nhà có thu nhập vài trăm triệu ở đây chỉ được xếp vào hàng “thường thường bậc trung”. Các đại gia máu mặt trong làng thì mỗi năm phải hốt đến bạc tỷ.
Bận rộn phân loại, thu gom sắt vụn từ xác máy bay |
Rõ ràng nghề đồng nát đã giúp cho người dân làng Quan Độ đổi đời, khá giả lên trông thấy.
Làng của đại gia
Khi nhắc về những vị đại gia buôn sắt vụn trong làng, dân trong làng đều nhắc đi nhắc lại nhiều lần đại gia Nguyễn Văn M. Đại gia M là một trong những người phất lên từ bàn tay trắng và gắn bó với nghề buôn bán đồng nhôm, sắt vụn này. Bề ngoài ông M bình thường như bao người công nhân khác, đầu bù tóc rối, quần áo xoàng xĩnh duy chỉ có ánh mắt và phong thái đầy tự tin và đặc biệt trong tay ông đang sở hữu khối tài sản lên đến vài trăm tỷ đồng.
Chàng trai 20 tuổi năm ấy chỉ đạp một chiếc xe đạp phượng hoàng sang làng bên làm thuê, kiếm vài đồng tích cóp hàng ngày. Tình cờ một lần đi ngang qua một xí nghiệp, thấy một đống sắt thép vứt chỏng chơ trước cổng, M tự nghĩ “ Làng Đa Hội cách đây chỉ vài km, nếu mua được số phế liệu này về rồi mang bán thì kiểu gì cũng có lời”. Nghĩ là làm chàng thanh niên M lân la dò hỏi, may mắn khi chủ doanh nghiệp này đang muốn bán thốc bán tháo đống phế liệu này nên nghiễm nhiên M mua được món hời với giá như cho không.
Không quản ngại khó khăn, M thuê xe tái chở cả đống thép này về làng mình rồi lại đạp xe xuống Đa Hội chào bán. Nghe đâu chuyến buôn đầu đời này M lãi cả chục triệu đồng. Vậy là một bước chàng thanh niên chuyển hẳn sang nghề buôn bán thu mua sắt vụn. Với bản tính liều lĩnh sau đó M tiếp tục đánh thêm được nhiều chuyến hàng to hơn, đáng nhớ nhất là có lần M còn mua được gần như trọn một con tàu với giá thanh lý. Nhờ biết tạo quan hệ với một số đơn vị bộ đội, M còn mua được xe tăng, xe quân sự thanh lý, rồi dần dần là các laoij máy bay quân sự cũng được M tậu về làng để xẻ thịt.
Ông M chia sẻ :” nghề này ăn nhau ở cái thính nhạy, cứ nghe ở đâu chuẩn bị thanh lý máy móc, dụng cụ lao động... là lập tức phải đến đặt vấn đề. Và cũng phải có khả năng định giá, biết cân đo đong đếm mà phát giá. Mấy chục năm trong nghề, chỉ cần nhìn sơ qua con tàu, xe tăng hay máy biến thế... là ông M có thể biết nó nặng bao nhiêu cân và xác định lời lỗ được bao nhiêu.
Theo lời công an viên làng Quan Độ ông Nguyễn Văn Hiệp cũng là một trong số những đại gia đi đầu trong nghề thu mua đồ thanh lý, trong làng còn có một vị đại gia giàu lên nhanh chóng nhờ máu liều, có gan lớn, dám ôm những mối hàng từ trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đó là đại gia Nguyễn Văn Ch. Ước tính khối tài sản của Ch phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài một căn biệt thự to vật vã giữa làng Ch còn có vài căn nhà ở Hà Nội. Hai chiếc xế hộp tiền tỷ, mang biển kiểm soát Hà Nội để vị đại gia này vi vu.
Vì là dân lâu năm trong nghề nên ông Ch cũng có năng khiếu trong việc định giá bán hàng. Hầu như chuyến nào ông ta cũng có lãi. Không ít thì nhiều. Lần gần đây nhất đại gia Ch đứng ra mua toàn bộ đồ thanh lý của công ty điện lực một tỉnh phía Bắc. Nghe phong thanh công ty này sắp tiến hành đấu thầu nên Ch lập tức đeo bám, bồi dưỡng các lãnh đạo để có bằng được hợp đồng này về cho mình. Khối tài sản gần 4 tỷ cuối cùng cũng về tay Ch. Sau chuyến hàng này Ch thu về 6 tỷ đồng, lãi ròng 2 tỷ.
Ở làng Quan Độ, những đại gia cỡ ông M hay Ch có đến cả chục người. Như ông Đặng Đình Hưng (56 tuổi) chuyên thu mua “xẻ thịt” tàu thủy, tàu hỏa, đường ray, nhà ga... hay ông Nghiêm Văn M (57 tuổi) chuyên về các loại máy móc thiết bị y tế...
Hoài An (Tổng hợp)