Sự bất bình đẳng giữa người nghèo và người giàu tại Indonesia ngày càng tăng. Chỉ tính riêng tổng tài sản 4 tỷ phú nước này nắm giữ đã nhiều bằng 100 triệu dân nghèo.
Mới đây, tờ The Guardian đã đưa ra những con số nhằm nói lên sự bất bình đẳng giữa tài sản người giàu Indonesia và người nghèo tại đây. Cụ thể, tổng tài sản của 4 người giàu nhất Indonesia đang sở hữu nhiều bằng 100 triệu người dân nghèo nhất Indomesia, sự chênh lệch này ngày càng sâu sắc.
Đứng đầu trong Top 4 tỷ phú Indonesia là anh em Budi, Michael Hartono, họ kiểm soát khối tài sản trị giá 25 tỷ USD, tương đương khoảng 568 nghìn tỷ đồng, bằng với số tài sản của 40% người nghèo nhất trong tổng số 250 triệu dân Indonesia.
Bên cạnh đó là Hartomos – tỷ phú sở hữu một công ty thuốc lá, số lãi mà công ty này kiếm được trong 1 năm cũng đủ để xóa bỏ đói nghèo tại Indonesia.
Có tới 93 triệu dân Indonesia thu nhập dưới 3,10 USD/người/ngày, sống dưới chuẩn nghèo trung bình của Ngân hàng thế giới. Ảnh: Pacific Press |
Thậm chí số tiền lãi một người giàu kiếm được trong một ngày còn nhiều hơn số tiền những người nghèo chi cho nhu cầu cơ bản trong cả một năm.
Quốc gia này còn được xem là những nước bất bình đẳng nhất thế giới khi mà số tỷ phú tại đây tăng chóng mặt nhưng sự đói nghèo trong phần lớn người dân vẫn không thay đổi. Hồi năm 2002 Indonesia chỉ có 1 tỷ phú nhưng đến 2016 con số này đã tăng lên 20 người. Điều này cũng giúp chỉ số GDP của Indonesia tăng nhanh, trung bình 5% trong những năm 2000-2016 và đưa Indonesia lọt danh sách CIVETS – các quốc gia tăng trưởng nhanh mới nổi.
Tuy nhiên việc xóa đói giảm nghèo lại đi vào bế tắc. Nếu chuẩn nghèo trung bình của Ngân hàng thế giới là những người dân có thu nhập 3,10 USD/người/ngày thì Indonesi có khoảng 93 triệu dân đang chịu cảnh đói nghèo.
Theo tổ chức Oxfam, việc số lượng tỷ phú ngày càng tăng trong bối cảnh nghèo khó đó khẳng định rằng những người giàu đã chiếm phần lớn thị phần trong các hoạt động kinh tế nhiều lợi ích của nước này, trong khi đó hàng triệu người nghèo bị bỏ lại phía sau. Bất bình đẳng đã đạt tới khủng hoảng, nếu không kiểm soát thì khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo sẽ làm trầm trọng thêm bất ổn xã hội và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Lê Khánh (tổng hợp)