Trong phiên giao dịch sáng ngày 31/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3/2022 đứng ở mức 117,65 USD/thùng, tăng 2,58 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đứng ở mức 121,26 USD/thùng, tăng 1,83 USD/thùng trong phiên.
Có thể thấy, giá dầu thô hôm nay trên thế giới tiếp tục tăng vọt sau khi thị trường ghi nhận thông tin EU đạt được sự thống nhất về việc cấm vận dầu thô Nga.
Theo lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Hãng tin DW (Đức) và đài Sputnik (Nga) tiết lộ các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm vận đối với 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay sau khi có được sự thỏa hiệp từ Hungary.
Hơn nữa, thông tin các nhà lãnh đạo EU cũng đạt thống nhất loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, 3 đài phát thanh-truyền hình của Nga và trừng phạt một số cá nhân.
Bên cạnh đó, giá dầu hôm nay còn bật tăng do đồng USD suy yếu khiến thị trường hoài nghi về một đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed năm 2022 khi Mỹ đang đối diện với nguy cơ dẫn tới suy thoái kinh tế.
Theo Reuters, OPEC+ sẽ tuân theo thỏa thuận về việc nâng sản lượng dầu được đưa ra vào năm ngoái, và từ chối lời kêu gọi thúc đẩy sản lượng của phương Tây. Hơn nữa, việc hải quân Iran đã bắt giữ 2 tàu chở dầu của Hy Lạp, nhằm trả đũa việc Mỹ tịch thu dầu Iran từ một tàu chở dầu ngoài khơi biển Hy Lạp cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu thô hôm nay.
Một nguyên nhân khác khiến giá dầu hôm nay tăng mạnh là do Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới - nới lỏng các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 được kiểm soát dịch bệnh ở Thượng Hải và Bắc Kinh, ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ) cho biết.
Hôm 29/5, chính quyền Thượng Hải cho biết các doanh nghiệp có thể mở cửa trở lại mà không cần xin cấp phép. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng thông báo mở cửa các trung tâm mua sắm lớn. Các địa điểm khác như khách sạn, công viên giải trí cũng được khôi phục lại hoạt động, người lao động cũng được phép trở lại làm việc.
Được biết, việc Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với làn sóng dịch bệnh đã làm gián đoạn các hoạt động từ di chuyển, sản xuất tới vận tải, từ đó đè nặng lên nhu cầu dầu toàn cầu. Chính vì vậy, giới quan sát cảnh báo giá dầu có thể tăng mạnh sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế.