Cậu thanh niên ấy nói tiếng Anh “như gió”, trúng tuyển ở một công ty công nghệ lớn tại Singapore khi đang là sinh viên năm cuối. Cậu ấy đang tham gia phát triển phần mềm đặt xe cho người khiếm thị. Với một thanh niên bình thường, thành tích đó cũng là đáng nể nhưng với Nguyễn Hoàng Giang, một người khiếm thị, thì đó là câu chuyện đầy cảm hứng.
Một mình sang Singapore, thỉnh thoảng tự nấu ăn và vài lần bấm nhầm nút bếp từ
Chúng tôi gặp Giang tại Singapore khi cậu đang làm lập trình viên thiết kế app cho người khiếm thị của Grab. Công việc của Giang là phát triển app cho người khiếm thị. Dựa trên trải nghiệm của bản thân, Giang và các đồng nghiệp phát triển app đặc biệt này. Từ app này, người khiếm thị có thể tự đặt xe được mà không cần trợ giúp.
Sau khi nộp đơn qua mạng và vượt qua nhiều vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, cậu thanh niên sinh năm 1994 đã một mình bay sang Singapore. Với đôi mắt không còn thấy ánh sáng, Giang tự thuê phòng, tự tìm đường tới công ty và thỉnh thoảng tự nấu ăn.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giang tại Singapore.
- Chào Giang, cuộc sống của Giang bên này ra sao và việc tiếp cận giao thông khó khăn như thế nào?
- Em ở đây một mình, đi xe bus, tàu điện, hoặc bắt xe qua app. Em thường ăn sáng và đi luôn tới công ty. Thỉnh thoảng có ai đó dựng lều hay có sự kiện gì mà em không biết thì em né thôi, còn em quen rồi.
- Giang đi sang Sing, có người nhà theo không?
- Em đi một mình. Đi với người nhà không có tự do (cười).
- Công việc của Giang ban đầu như thế nào?
- Em mới làm nên kinh nghiệm còn kém, còn mọi thứ bình thường. Mọi thứ cũng như ở Việt Nam thôi. Mới đầu qua, em chưa nhớ tên đường nhưng đi càng nhiều, em cũng quen. Em cũng gọi tạm là thích nghi.
- Việc ăn uống thì sao, có bao giờ Giang bỏ mắm nhầm với tương ớt?
- Thỉnh thoảng em cũng tự nấu. Không bỏ nhầm mắm muối với tương ớt đâu chị, chỉ thỉnh thoảng bấm nhầm bếp từ và cháy đồ ăn thôi (cười).
- Bố mẹ em nói sao khi em sang Singapore một mình?
- Hồi ở Việt Nam, em cũng đi nhiều và từng làm việc bán thời gian. Bố mẹ không muốn cho em đi nhưng vẫn để em đi, để có cơ hội học hỏi.
- Điều gì khó nhất đối với em hiện tại?
- Em vừa làm vừa học nên em không biết cái gì là khó nhất. Ngày xưa, em làm bán thời gian lập trình nhưng không khó như bên này.
Gặp Giang nói chuyện với những đồng nghiệp ở Singapore, mới thấy cậu giao tiếp bằng tiếng Anh tốt và tự tin như thế nào. Ngôn ngữ không phải là rào cản với Giang.
Không chọn học tiếng Anh ở trung tâm, với Giang tiếng Anh là quá trình tự học ở trường và nhà. Đặc biệt, nhờ đọc sách và tài liệu bằng tiếng Anh nhiều nên tất cả các kỹ năng đều tiến bộ rất nhanh. Ngay cả thi TOEFL, Giang cũng mua sách tự luyện ở nhà.
Đọc sách cũng là một phần quan trọng mỗi ngày của Giang. Từ nhỏ, Giang thích sách và sách chính là người bạn thân giúp Giang mở rộng tầm mắt ra cuộc sống bên ngoài. Khi nhỏ, Giang đọc truyện. Khi làm việc như một lập trình viên, Giang thích đọc sách ngoại ngữ và sách nghiên cứu, kinh tế, công nghệ…
Vượt qua bài test trên mạng và 3 vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh, cậu sinh viên khiếm thị đã trúng tuyển vào vị trí lập trình viên Android của Grab tại Singapore.
Khi trúng tuyển, Giang đang học năm cuối khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc tế (ĐH QG TP HCM). Trước khi bay qua Singapore 2 ngày, cậu mới hoàn thành môn học cuối cùng.
Năm thứ 3 khi học đại học, Giang bắt đầu đi làm. Giang làm nhân viên phục vụ nhà hàng, sau đó thực tập tại công ty Intel ở khu công nghệ cao quận 9 và làm bán thời gian tại một công ty phần mềm (Công ty phần mềm Quang Trung) cho tới khi trúng tuyển.
Cậu thanh niên này không thích nghĩ mình khác biệt và luôn tìm cách để được như bình thường. Giang từng muốn thi TOEFL nhưng không được vì đề thi không có phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị. Cậu đã điện thoại, email sang Mỹ nhờ hỗ trợ đặc biệt. Cuối cùng thì cậu cũng được hỗ trợ để được thi.
Bất chấp những rào cản về ánh sáng, Giang đang sống đầy lạc quan và thích độc lập. Giang tự thích làm mọi thứ từ dọn dẹp, tự di chuyển, tự xách ba lô lên đường với chiếc điện thoại với ứng dụng cho người khiếm thị.
Giang đi tập gym. Ảnh: Facebook
Giang cũng tích cực tập gym, việc mà với người bình thường, nhiều khi cũng “khó sắp xếp” thời gian. Một người bạn trên Facebook, từng khâm phục ý chí luyện tập của Giang viết: “Đây là lần đầu tiên, mình được tiếp xúc và trực tiếp thấy một người có khiếm khuyết về mắt lại đam mê gym và tập luyện hăng say như vậy. Mình thật sự thán phục về ý chí tập luyện của anh. Anh luôn đến tập đúng giờ, không bỏ buổi nào dù chỉ có thể tập 3 ngày/tuần. Có thể tự kiếm tủ cất đồ, tự xác định được máy tập, máy nào là máy đánh ngực hay máy vai, thực hiện không khác gì một người sáng mắt, cảm nhận các mức tạ rất chính xác”.
Còn một đồng nghiệp của Giang tại Singapore thì nhận xét: “Tôi bất ngờ vì những điều Giang làm. Một mình sang Singapore, tự thuê nhà, tự làm mọi việc. Trong nhóm, Giang không chỉ làm được, mà còn làm nhanh”.
Có vẻ như, bóng tối không phải là rào cản đối với cậu thanh niên khiếm thị với thế giới rộng lớn này.
Theo Trí Thức Trẻ