Thị trường hàng điện tử năm nay khá sôi động nhất là vào dịp cuối năm, các hãng điện tử tung ra nhiều sản phẩm mới với nhiều tính năng cũng như mẫu mã và được nâng cấp về kỹ thuật không thua kém gì hàng ngoại. Dưới đây là một vài điểm người dùng nên lưu ý để có một kế hoạch mua sắm hiệu quả hơn.
Góp phần không nhỏ cho thị trường sôi động này là hàng loạt các trung tâm bán hàng điện máy với quy mô lớn ra đời. Trong dịp này, từ những siệu thị điện máy lớn cho đến những cửa hàng đồ điện tử nhỏ lẻ đều có những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng cũng như những chương trình khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Giá mỗi nơi mỗi khác
Khảo sát tại một số trung tâm điện máy cũng cho thấy giá cả của nhiều sản phẩm cùng hãng, cùng chủng loại và model ở mỗi nơi đều có giá khác nhau, nhiều trường hợp cách biệt từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/cái. Chẳng hạn như tivi hiệu Sony Wega 21 inch có giá từ 6.140.000 đồng - 6.400.000 đồng/cái, dàn máy hiệu Panasonic model Panaak 188 có giá từ 5.500.000 đồng - 5.625.000 đồng/cái, tủ lạnh đóng tuyết hiệu Sanyo loại 140 lít model 14ED có giá từ 3.250.000 đồng - 3.500.000 đồng/cái. Vì vậy khi mua, người tiêu dùng nên khảo sát giá nhiều nơi để được mua giá hợp lý.
Một vấn đề khác cũng cần chú ý là: Nhiều trung tâm điện tử hiện bán rất nhiều hàng ngoại nhập, trong khi đầu vào hàng ngoại nhập hiện rất phức tạp, nên không loại trừ có cả hàng giả sản xuất từ Trung Quốc. Do đó, để tránh mua nhầm hàng ngoại với giá cao, khách hàng nên chọn mua hàng trong nước sản xuất với kỹ thuật, tính năng không thua gì hàng ngoại cao cấp. Người mua sẽ được yên tâm do có chế độ bảo hành nghiêm chỉnh.
Cân nhắc kỹ nhu cầu
Một lời khuyên tưởng như thừa thãi với nhiều người tiêu dùng, thế nhưng vẫn có không ít người vì quá yêu thích một món đồ nào đó bởi những quảng cáo hấp dẫn mà quên mất nhu cầu thực sự của mình.
Không thể phủ nhận mỗi loại thiết bị đều có một tác dụng của riêng mình, tuy nhiên nếu không có nhu cầu thực sự trong một thời gian dài, chúng ta cũng chưa cần thiết phải “đầu tư” cho chúng. Thị trường thiết bị số trong những năm gần đây ghi nhận không ít những trường hợp thiết bị có lượng mua tăng vọt vào thời điểm cuối năm, nhưng chỉ một vài tháng sau lại được bán dưới dạng hàng cũ cũng không hề ít, dễ kể đến một vài mặt hàng như máy tính bảng hay máy ảnh DSLR.
Đó đều là những thiết bị thuộc dạng “không có thì thiếu, nhưng có thì lại thừa”, thường chỉ giúp ích cho chúng ta trong thời gian ngắn dịp Tết, và ít được sử dụng sau đó. Tablet hay DSLR trong một vài trường hợp hoàn toàn có thể được thay thế bằng Smartphone, nhưng nếu đã mua chúng dưới dạng “nguyên seal”, người mua thường chịu một khoản lỗ không nhỏ nếu bán lại sau đó.
Mở rộng ra đối với mặt hàng đồ điện tử dân dụng, các mặt hàng này cũng ngày càng được trang bị thêm nhiều tính năng nâng cao, và tất nhiên chi phí cũng cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như TV được trang bị thêm các tính năng thông minh, kết nối với Internet, tủ lạnh có chức năng “tự động xả đá”, máy giặt có thể giặt bằng hơi nước,… Đó đều là những tính năng rất hấp dẫn, nhưng chỉ có tác dụng trong một vài trường hợp nhỏ. Nếu các tính năng sử dụng cơ bản đã đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng trong 4-5 năm tới thì có lẽ chúng ta không cần phải quá tốn kém cho những điều trên.
Do đó, những người với túi tiền có hạn thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi chọn mua một sản phẩm nào đó.
Tham khảo nhiều nơi
Dạo qua một lượt các siêu thị điện máy, từ online cho tới thực tế, không khó để bắt gặp những cụm từ như Xả hàng giá shock, Rinh quà khủng, Cơn lốc quà tặng,… càng làm người dùng trở nên băn khoăn khi “chọn mặt gửi vàng”.
Rất may trong thời đại Internet và thương mại điện tử phát triển như hiện nay, chúng ta không cần phải đi lòng vòng từng siêu thị điện máy để khảo giá cho một món đồ nữa, tất cả đều có thể thực hiện tại nhà, qua màn hình máy tính hoặc smartphone. Và nếu là một người tiêu dùng thông thái, đừng bỏ qua lợi thế này.
Trước hết, người dùng nên lựa chọn một vài siêu thị điện máy, cửa hàng uy tín để khảo giá, nếu được có thể so sánh với giá của một vài cửa hàng hàng nhỏ lẽ nữa. Ngoài mức giá, các khuyến mãi đi kèm cũng không thể bỏ qua, vì không ít nơi để giá thấp hơn nhưng lại cắt đi của chúng ta một vài khuyến mãi và quà tặng đi kèm. Thời gian bảo hành hay miễn phí vận chuyển cũng là một yếu tố cần cân nhắc.
Không vội tin vào khuyến mãi
Mặc dù các chương trình khuyến mãi là một trong những yếu tố khiến người mua hàng cảm thấy “có lãi”, thậm chí tranh giành nhau để mua, nhưng nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy, các cửa hàng điện tử, điện máy chưa bao giờ ngừng các chương trình khuyến mãi này. Có chăng là thay đổi tên chương trình hoặc một vài mặt hàng giảm giá khác.
Trớ trêu hơn, không ít trường hợp là cửa hàng đẩy cao giá niêm yết hơn thông thường để tạo ra mức khuyến mãi hấp dẫn, lên tới vài chục phần trăm cho một món hàng giá nhiều triệu đồng.
Tại HCM, nhiều khách hàng từng phàn nàn về việc mua hàng sau khuyến mãi tại một siêu thị nọ và “sung sướng” vì tiết kiệm được mấy trăm ngàn đồng. Tuy nhiên khi so sánh giá với một siêu thị khác, giá khuyến mãi này thậm chí còn cao hơn cả giá niêm yết ở bên kia. Chưa kể đến nhiều trường hợp mua hàng khuyến mãi tại các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ lại gặp “quả đắng” khi gặp phải hàng cũ khiến món đồ liên tục trục trặc và phải đi bảo hành.
Khi đó, thần chú “tiền nào của nấy” có lẽ là câu nói mà bất cứ người mua hàng nào cũng cần phải ghi nhớ trong đầu
Đó là một vài gợi ý nhỏ mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc. Hy vọng với những lời khuyên trên, bạn đọc sẽ có một mùa mua sắm hiệu quả và có ý nghĩa hơn.
Trang Vũ