Việc nới biên độ lên 2% sẽ đưa mức tỷ giá giao dịch tại các các ngân hàng có thể dao động quanh mức 21.240-22.106 đồng đổi một đôla Mỹ.
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo điều chỉnh nâng biên độ Tỷ giá USD/VND. Theo đó, biên độ dao động được tăng từ +/-1% lên +/-2%.
Theo đó, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện ở mức 21.673 đồng/đô la Mỹ, các ngân hàng được phép điều chỉnh tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ lên mức tối đa (trần) là 22.106 đồng/đô la Mỹ, và tỷ giá sàn là 21.240 đồng/đô la Mỹ.
Đồng USD tăng giá mạnh sau thông báo nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước VN |
Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, tỷ giá trần là 22.106 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Động thái của NHNN được đưa ra sau khi sáng hôm qua (11/8), Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo phá giá đồng nhân dân tệ, khiến nhân dân tệ mất giá 1,82%. Một đô la Mỹ đổi được tới 6,2298 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2013.
Việc đồng nhân dân tệ bị phá giá ngay lập tức đã khiến cho tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ tăng lên gần sát mức trần 21.890 đồng/đô la Mỹ (tức +1% so với mức bình quân liên ngân hàng), trong khi trong suốt hơn hai tháng trước đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng đứng yên ở mức 21.840 đồng/đô la Mỹ. Khi ấy, theo một số chuyên gia, NHNN nên can thiệp bằng cách nới rộng biên độ tỷ giá vì như thế sẽ không phải dùng đến dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường và phù hợp với xu hướng mất giá chung của đồng tiền các nước.
Theo lý giải của cơ quan này, năm 2015, ngay từ đầu năm, trên cơ sở phân tích, dự báo dựa trên các cân đối vĩ mô được đưa ra của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá tăng không quá 2%.
Trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng 2 lần với tổng mức điều chỉnh là 2% tỷ giá BQLNH từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD vào ngày 7/1 và lên mức 21.673 VND/USD vào ngày 7/5 nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế.
Sau quyết định của NHNN, sáng nay các ngân hàng đồng loạt nâng tỷ giá, trong đó giá bán ra đều lên trên 22.000 đồng, sát với mức trần cho phép.
Cụ thể tỷ giá của Vietcombank và BIDV là 21.960 - 22.040 đồng; của Vietinbank là 21.970 - 22.040 đồng; của DongABank là 21.940 - 22.040 đồng; của Eximbank và ACB là 21.980 - 22.100 đồng... So với hôm qua, tỷ giá đã tăng khoảng 200 đồng.
Chia sẻ trên Trí thức trẻ, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là quyết định kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng nhân dân tệ xấp xỉ 2% của Trung Quốc.
"Việc nới rộng biên độ lần này đã đáp ứng mọi sức ép của thị trường xuất hiện gần đây thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt từ xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên xuất khẩu đối với mặt hàng công nghiệp có mức độ giá trị gia tăng thấp thì tác động của tỷ giá cũng chỉ ở mức hạn chế", ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, NHNN vẫn cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh để phù hợp với biến động của tỷ giá trên thế giới.
Cũng đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: "Đó là chuyện hiển nhiên. Theo ông, NHNN không thể nào giữ giá trần như cũ, quyết định này trung hòa phần nào tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Một chuyên gia khác, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá động thái của NHNN mới đây là quyết định hợp lý, tạo biên độ "mềm", để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa.
Vậy động thái NHNN bất ngờ tăng biên độ từ +/-1% lên +/-2% có khác gì việc tăng tỷ giá thêm 1% hay không? Các chuyên gia đều cho rằng điều này có thể suy diễn là như vậy.
Nam Nam (tổng hợp)