Ngày Quốc khánh năm nay, Loan không dám nuôi hy vọng mình sẽ được đặc xá, vì chỉ mới thi hành hơn nửa án phạt. Nhưng, tên Loan nằm trong danh sách đặc xá đợt này.
“Em vui quá!”
Vào chiều 31/8, đến tại trại giam Z30D (thuộc Tổng cục VIII – bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), PV ghi nhận thấy không khí rộn ràng khắp các khu giam giữ.
Phạm nhân hỏi han, trong đợt đặc xá lớn trong dịp Quốc khánh năm nay có được nằm trong danh sách không? Nếu được, họ nở nụ cười chúc mừng. Nếu không, họ ôm nhau chia sẻ, động viên cố gắng cải tạo tốt, để sớm được trở về hòa nhập cộng đồng.
Trước đó, tối 30/8, trại giam tổ chức bữa ăn cuối cùng cho các phạm nhân. Đến nhà ăn nữ, đón tiếp đoàn khách là nụ cười vui vẻ. Lẫn trong đám đông, PV nhanh chóng nhận ra một “người quen”, đó là Nguyễn Thị Hồng Loan (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM).
Cách đây ba năm, PV gặp Loan trong một phiên tòa tại TAND TP HCM. Hơn một năm trước, trong lần đến trại giam tham gia buổi tổng kết chương trình “Viết thư gửi lời xin lỗi”, PV cũng gặp nhau.
Còn lần này, Loan vui mừng chia sẻ: “Em bất ngờ khi nằm trong danh sách được ân xá năm nay. Em vui quá! Không có từ nào có thể diễn tả hết được niềm vui này”.
Loan kể, bị kêu án năm năm tù giam, nhưng chỉ thụ án hơn ba cái tết. Một tháng trước, ban quản lý trại giam phát thông tin, nước ta kỷ niệm Quốc khánh 70 năm nên sẽ có nhiều phạm nhân được ân xá so với các năm trước. Cũng mong mình nằm trong danh sách ân xá, nhưng số năm thụ án còn ít, nên Loan chưa dám đặt hy vọng nhiều.
Loan được đặc xá vào dịp lễ Quốc khánh. |
Thời gian thấm thoắt trôi, Loan vỡ òa khi nhìn thấy tên mình.
“Em mừng đến rơi nước mắt. Chân em run rẩy, không tin vào điều đang được nhìn thấy. Em phải nhờ người bạn tù đứng bên xác nhận lại, có phải họ tên của mình hay không? Rồi, em nhờ người ấy đánh một cái để xác thực có phải là giấc mơ?”, Loan nhớ lại.
Hôm ấy, Loan cứ cười rồi hát suốt. Các bạn trong khu giam giữ số 2 thấy vậy cũng chúc mừng. Dường như, tất cả bạn tù đều hiểu được cảm giác của cô. Suốt nhiều đêm liền, đến giờ ngủ, Loan vẫn nằm thao thức. Loan dặn lòng, ngủ sớm, ngày mai còn phải lao động. Nhưng, niềm vui cứ đọng mãi, đôi mắt nhắm, mà tâm trí vẫn thông suốt.
Những ngày cuối cùng tại trại giam, Loan ôn lại ký ức, lật giở từng kỷ niệm. Hơn ba năm, Loan có quá nhiều mối quan hệ, nhiều chị em mới. Nhờ những con người ấy mà Loan vượt qua được mặc cảm. Loan nhớ, mỗi lần rảnh rỗi, chị em lại ngồi chải tóc, làm đẹp… cho nhau.
Loan nhớ, mỗi khi có người nhận được thư nhà là lại lần giở, đọc cho cả phòng cùng nghe. Loan nhớ, tiếng nức nở của mình lan sang mọi người, khi nỗi nhớ nhà dâng tràn… Kỷ niệm ùa về nhiều vô kể. Chính Loan cũng không thể gom nhặt hết.
Rồi, Loan chỉ biết cười, gặp ai cũng niềm nở, động viên những người chưa được ân xá. Loan khuyên họ phải cải tạo tốt từ hành động đến suy nghĩ. Bởi, Chính sách nhà nước, nhân đạo, đầy tính khoan hồng. Khi, nhận ra sự hối hận thì chắc chắn, họ sẽ được giảm án.
“Em mong, tất cả bạn tù cũng sẽ được như mình”, Loan lại cười.
Loan cho hay, vào trại giam là một biến cố lớn của cuộc đời. Lúc mới vào, Loan cảm thấy hoang mang, buồn chán, cứ nghĩ, cuộc đời của mình sẽ chấm dứt từ đây. Nhưng, nhờ sự quan tâm, động viên của những người quản giáo, Loan dần lấy lại được sự tin tưởng, gieo mầm hy vọng trở về.
Ở trại, khi đến giờ lao động, Loan dồn hết suy nghĩ, tâm sức để làm việc. Bởi, chỉ có như thế, Loan mới xóa bỏ được những suy nghĩ tiêu cực. Và, lúc nhìn thấy thành quả, được sự công nhận của các chị em trong phân trại, Loan đặt quyết tâm: “Chắc chắn mình sẽ trở về làm lại cuộc đời. Mình hãy còn rất trẻ”.
Sẽ làm trọn bổn phận của người con
Loan kể, gánh nặng con cái đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Ngày xưa, không hiểu được những điều ấy. Loan nhìn vào bạn bè, được cả cha lẫn mẹ chăm sóc là lại mặc cảm. Loan từng cảm thấy căm ghét mọi thứ, buồn bã cho số phận của mình. Loan thích thú, cảm thấy thoải mái, không còn vướng bận khi tụ tập với bạn bè.
Bức thư Loan từng viết gửi lời xin lỗi đến mẹ. |
Mái tóc đen óng dần được thay bằng màu nhuộm. Loan bỏ ngoài tai lời khuyên răn của đấng sinh thành. Không ít lần, mẹ khuyên nhủ, rơi nước mắt, nhưng Loan vẫn cố giữ lấy cái tôi quậy phá của mình.
Loan từng nghĩ, cuộc sống này, chỉ cần bạn bè là đủ. Thế nhưng, Loan không ngờ, chính cái tôi trẻ con va chạm với những người ấy đã đẩy mình vào con đường tù tội. Giữa tháng 10/2013, trong khi đàn đúm, Loan va chạm với một bạn gái. Người này nhấc điện thoại gọi người yêu đến “xử”. Không thua kém, cô cũng gọi anh trai đến bênh vực.
Trong lúc mâu thuẫn, Loan và anh trai dùng dao đâm một người thương tật 40%. Sau đó, cả Loan và anh trai đều bị bắt. Loan bị tuyên 5 năm tù giam, còn anh trai bị tuyên 8 năm tù giam.
Ngồi trong tù, lần đầu thăm nuôi, Loan mới cảm nhận được những vết thâm quầng trên mắt mẹ. Loan xót xa, trái tim như có ai bóp nghẹt khi nước mắt mẹ rơi. Lúc ấy, mẹ không trách móc một lời, chỉ động viên, khuyên con gái nhận ra, đây là bài học trong cuộc sống. Nhìn đôi tay chai sần run run, Loan thấu hiểu, mẹ cay đắng lắm nhưng phải giấu vào trong.
Thêm vào đó, nhiều đêm, Loan thao thức nghĩ về mọi thứ. Loan biết, mình đã sai lầm khi thiêu đốt tuổi trẻ trong những buổi chơi bời mà không lo nghĩ về tương lai. Mình chính là người khơi gợi nỗi đau của mẹ. Và trên hết, Loan biết, mình trách mẹ, không thấu hiểu nỗi khổ cực của người phụ nữ lao tâm khổ tứ với cơm áo gạo tiền nuôi con, là bất hiếu.
Đây cũng chính là lý do, khi chương trình “Viết thư gửi lời xin lỗi” của bộ Công an phát động, Loan đã gửi những lời tâm huyết của mình dành cho mẹ. Với những lời lẽ chân thành, tràn tình cảm, Loan được chọn là một trong ít đại diện đọc lá thư của mình trước hội trường. Hôm đó, mẹ Loan đã khóc.
“Đó chính là lần đầu tiên em nói lời yêu thương, lời cảm ơn đến mẹ. Khi viết ra được những lời ấy, em cảm thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều”, Loan chia sẻ.
Loan kể, không ít lần ngồi trong buồng giam hối lỗi, Loan từng ước, phải chi trước đây mình có chút ý thức, biết nhận ra sự buông thả của bản thân, biết lắng nghe từng lời răn dạy của mẹ… Thì không phải chôn chặt mấy năm trời trong chốn lao tù.
Giờ đây, khi đã biết chính xác sẽ được đặc xá, Loan tự hứa với lòng, sẽ trở thành đứa con ngoan, không bao giờ làm mẹ phiền lòng. Loan sẽ làm tròn bổn phận của một đứa con, bù đắp lại những nỗi đau khổ mình đã gây ra cho mẹ. Loan sẽ chung tay, cùng mẹ, động viên để anh trai sớm ra trại…
Loan biết, hòa nhập cộng đồng sẽ còn rất nhiều chướng ngại, bởi lý lịch đã bị chính mình nhuốm đen. Nhưng, Loan phải tự đứng lên từ chính sai phạm của mình. Loan tin vào tuổi trẻ, vào tương lai, vào sự yêu thương của mẹ sẽ giúp Loan làm lại cuộc đời.
Hỗ trợ chi phí tàu xe về nhà cho phạm nhân được đặc xá Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị trại giam Z30D cho biết, trong lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tại trại giam Z30D có 851 phạm nhân được ân xá, trong đó, có 157 nữ và 11 người nước ngoài. Những người được hưởng đặc xá, được cơ quan chức năng hỗ trợ chi phí tàu xe về nhà, tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những người không có trang phục riêng, trại giam phát áo sơ mi và quần tây để mặc. Riêng về Loan, suốt thời gian thụ án, cô chấp hành tốt nội quy, tích cực học tập, lao động và cũng là một trong những người được hưởng đặc xá dịp này. |
Theo Huy Cường