Thế vận hội Olympic Rio 2016 được xem là kỳ vận hội đắt giá nhất trong lịch sử 120 năm qua. Đắt giá ở hầu hết các khoản Doanh thu mà nó có thể tạo ra, từ tiền bán bản quyền, tiền thu từ các nhà tài trợ đến khả năng tăng cao tài sản cho các vận động viên.
Theo Independent, trong tất cả các kỳ thế vận hội thì Olympic Rio 2016 được đánh giá là thế vận hội đắt giá nhất trong suốt lịch sử 120 năm của giải đấu này. So sánh trên hầu hết các tiêu chí có thể thấy rõ điều đó, từ doanh thu bán bản quyền phát sóng, tiền tài trợ, đến tài sản của vận động viên, hay cả số tiền mà Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kiếm được.
Tài sản của vận động viên
Vận động viên Usain Bolt kiếm được hàng triệu USD khi tham dự kỳ Olympic. Ảnh: Breaking News |
Nhờ thời gian tham dự các kỳ Olympic mà nhiều vận động viên trở nên nổi tiếng và giàu có. Điển hình như vận động viên nổi tiếng Usain Bolt, anh đã kiếm được hàng triệu USD từ tiền tài trợ. Tính riêng hợp đồng với Puma đã mang về cho anh 10 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh đó, tiền kiếm được từ các giải thưởng cũng là một khoản thu đáng kể của anh, năm 2015, anh thu về 2,5 triệu USD từ các giải thưởng.
Theo số liệu từ Forbes, 10 vận động viên kiếm khá nhất qua các kỳ Olympic có thu nhập từ 388 triệu USD. Bên cạnh đó IOC nhận được 10% toàn bộ doanh thu giải đấu, trong năm nay số tiền này cũng được dự báo sẽ lên đến con số kỷ lục.
Nhà tài trợ
11 nhà tài trợ có tổng vốn hóa hơn 1.500 tỷ USD sẵn sàng tài trợ cho kỳ Olympic Rio 2016. Ảnh: Independent |
Trong kỳ Olympic 2016 năm nay có tới 11 nhà tài trợ toàn cầu có tổng vốn hóa hơn 1.500 tỷ USD đang hào phóng tài trợ cho sự kiện này. Và mức doanh thu từ quảng cáo trong kỳ Olympic Rio dự kiến đạt được 9,3 tỷ USD.
Trước đó, năm 2011 tài phiệt người Mexico – ông Carlos Slim đã cam kết chi 320 triệu USD để giữ quyền tài trợ Olympic cho công ty America Movil của mình. Cũng có động thái tương tự là Banco Bradesco – một trong những ngân hàng lớn nhất Brazil.
Đến 2016 sức hút từ Olympic vẫn không hề giảm sút mặc dù tình hình kinh tế có nhiều biến động. Các doanh nghiệp nhỏ vẫn xem Rio 2016 là một cơ hội tốt để tăng trưởng doanh thu. Chính vì thế, thông tin từ Barclays cho biết, Ủy ban tổ chức Rio khẳng định sẽ đạt mục tiêu thu về 1,3 tỷ USD từ quyền tài trợ.
Chỉ tính riêng các đối tác toàn cầu như Samsung, Coca Cola … do chính IOC lựa chọn đã trả số tiền lên tới 120 triệu USD để đồng hành cùng Olympic. Đây chỉ mới là con số tính toán ban đầu trước khi họ chi tiền ra làm quảng cáo trên bảng tin, banner và truyền hình.
Bản quyền phát sóng
Đài truyền hình NBC của Mỹ thu về 1 tỷ USD doanh thu từ việc bán quảng cáo trong kỳ Olympic. Ảnh: Reuters |
Giải đấu Olympic Rio kéo dài 19 ngày có khả năng tiếp cận 3,6 tỷ người xem trên toàn cầu, chính độ phủ sóng lớn như thế nên khoản doanh thu từ bản quyền phát sóng của kỳ Olympic năm nay cũng được xem là khoản đóng góp lớn nhất trong lịch sử.
Theo Reuters, NBC – hãng truyền hình giữ bản quyền Rio 2016 tại Mỹ đã mạnh tay chi 1,23 tỷ USD cho sự kiện này, cao hơn 900 triệu USD so với kỳ Olympic Bắc Kinh 2008. Ngoài ra, đài này cũng thu được 1 tỷ USD từ việc bán các suất quảng cáo.
Tương tự, đài BBC cũng chi gần 100 triệu bảng Anh, khoảng hơn 130 triệu USD cho Rio 2016, gấp đôi so với năm 2012.
IOC có thể thu về 4,1 tỷ USD doanh thu từ việc bán bản quyền sự kiện này, đây là con số kỷ lục trong lịch sử các kỳ Olympic thế giới.
Hoài An (tổng hợp)