Theo Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các mặt hàng điện tử - công nghệ thông tin đã qua sử dụng sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ 15/12/2015.
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu. Nội dung thông tư được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hóa và mã số HS trong biểu thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi và được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin cũng như quy định của pháp luật theo từng thời kỳ.
Cụ thể, Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu gồm: Máy in-copy, in bằng công nghệ in phun; máy in-copy, in bằng công nghệ laser; máy in-copy-fax kết hợp; máy in kim, máy in phun, máy in laser, máy fax.
Danh mục cũng gồm: Máy tính xách tay, kể cả notebook, tablet PC, máy tính nhỏ cầm tay bao gồm máy tính mini và sổ ghi chép điện tử kết hợp máy tính, bàn phím máy tính, ổ đĩa mềm, ổ đĩa cứng...
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm đã qua sử dụng sau: Điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác, bộ điện thoại hữu tuyến với điện thoại cầm tay hoặc không dây, Micro và giá đỡ micro, loa, tai nghe, bộ tăng âm điện...
Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu. Đối với máy in, máy photocopy kỹ thuật số đa màu, khi nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về in.
Với trường hợp nhập khẩu sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sẽ phải nộp hồ sơ đề nghị.
Thông tư vừa được ban hành sẽ tác động không nhỏ đến thị trường hàng công nghệ xách tay vốn rất sôi động như hiện nay. Những cửa hàng chuyên phân phối sản phẩm công nghệ xách tay sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu hàng hóa cũng như chứng thực nguồn gốc hàng hóa.
Từ nay, khi định giá sản phẩm phân phối tại thị trường Việt Nam, các hãng công nghệ sẽ không còn phải chịu áp lực từ hàng xách tay. Xét về mặt chi phí, người tiêu dùng có thể phải chịu thiệt thòi, nhưng chất lượng hàng hóa về lý thuyết sẽ đảm bảo hơn.
T.V