Theo người dân sống ven các chợ này, một phần vì nguồn hàng ngày một kiệt, phần vì dư luận lên án gay gắt chuyện ăn thịt chó, nhiều người làm nghề bỗng chùn tay.
Nhắc đến chợ thịt chó ở TP.HCM, không ai không biết đến những địa chỉ đã trở nên quen thuộc như ngã ba Ông Tạ (Tân Bình), chợ Xóm Mới (Gò Vấp), nhiều cửa hàng ven đường Phạm Văn Bạch, nơi tiếp giáp giữa phường 15 Tân Bình và phường 12 Gò Vấp…nhưng hiện nay, tại các địa chỉ trên chỉ còn lại một vài gian hàng. Theo người dân sinh sống tại khu vực đường Phạm Văn Hai (Ngã 3 Ông Tạ -Tân Bình), vốn nổi tiếng là chợ thịt chó lớn nhất Sài Gòn trước đây, một phần do nguồn hàng ngày càng cạn kiệt, phần nữa vì dư luận lên án việc ăn thịt chó gây gắt, nhiều người làm nghề "sát chó" cũng trở nên chùn tay, nên nhiều sạp đã chuyển sang bán đồ khác, nhiều sạp đóng cửa bỏ nghề. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm với mặt hàng này bị buông lỏng khiến khách hàng ngại, gần đây cũng quay lưng với món này.
Một gian hàng thịt chó hiếm hoi còn lại trên đường Phạm Văn Hai (ngã ba Ông Tạ), đắt khách cả ngày.
7h sáng, chúng tôi có mặt tại ngã ba Ông Tạ, nơi đây giờ chỉ còn 2 - 3 gian hàng bán thịt chó nhưng khách ra vô nườm nượp, thịt chó được chất đống cho khách lựa chọn. Thịt chó ở đây không thấy bất kỳ một dấu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nào của cơ quan chức năng. Nhưng chủ chàng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Chỗ chị đảm bảo chó sạch, thịt ngon lắm…”. Cũng theo chị này, do giờ hiếm người bán nên mỗi ngày hàng của chị bán trên 100 con chó, thịt chó ở đây có giá từ 40.000 - 100.000 đồng/kg tùy vào chất lượng chó tơ hay già, và việc này chỉ có người bán mới phân biệt được.
Thịt chó được chất đống nhưng không có dấu kiểm duyệt nào của cơ quan chức năng.
Ghé vào một gian hàng bán thịt chó khác tại khu vực chợ Xóm Mới (Gò Vấp), thịt chó đã chế biến và chưa chế biến được bày trên một chiếc bàn cũ, và không được che đậy, bà chủ quán liên tục đập vào đám ruồi bao vây đống thịt. Điều lạ là cửa hàng thịt chó này luôn đắt khách. Khi được hỏi về vệ sinh thì người mua vô tư: “ Thịt chó nơi nào chẳng bán ngoài đường, giờ hiếm người bán, chỉ biết tin tưởng chủ hàng thôi chứ biết sao”.
Một hàng thịt chó “siểu bẩn” tại khu vực chợ Xóm Mới (Gò Vấp).
Anh Hùng 45 tuổi, từng là một lái buôn chó tại quận Tân Bình cho biết: “Nguồn chó cung cấp trên thị trường hiện chủ yếu là chó bị bắt trộm, bị đánh bã, chó bệnh chết… chó nuôi rất ít, nhiều lúc có cả chó dại người ta bán cũng mua về thịt và bỏ lại cho các nơi bán lẻ. Nhiều con bị ghẻ lở, nhưng sau khi cạo lông, bôi phẩm vàng đem trui lửa vàng ươm thì làm sao khách mua có thể phân biệt được chó bệnh”.
Cũng theo anh Hùng, vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm với loại thực phẩm này bị bỏ ngõ góp phần khá lớn cho việc nhiều gian hàng thịt chó lặng lẽ đóng cửa, vì khách hàng quay lưng.
Ngoài bán thịt chó, nhiều cửa hàng còn bán chó sống và nhận làm thịt chó.
Những sạp thịt chó nào còn tồn tại đến ngày nay là có nguồn hàng cung cấp ổn định, hoặc mở lò giết mổ chó, thu mua chó từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng chính người làm công việc thu mua chó để giết mổ này cũng khó mà biết được nguồn thịt chó này xuất xứ từ đâu.
Nơi cung ứng thịt chó dần mất tích, các phố nhậu thịt chó rộn ràng một thời như khu Tam Hà-Thủ Đức, khu vực gần chợ Ông Tạ, đường Xô Việt Nghệ Tĩnh (gần cầu Thị Nghè)... hàng quán cũng dần đóng cửa. Chủ quán thịt chó Nhật Tân trên đường Tây Hòa, quận 9, cho biết anh phải dẹp quán, chuyển sang bán phở chờ ngày trả lại mặt bằng chỉ sau 2 tháng mở cửa, vì không có khách.
Người ăn thịt chó không được kiểm duyệt vệ sinh sẽ có nguy cơ nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) cực kỳ nguy hiểm. Nếu nhiễm sán dãi chó, tại mắt, chúng gây mù; tại não, dây thần kinh bị chèn ép gây chứng điên loạn. Tại gan, lách, ấu trùng tạo nhiều u nang làm cho các cơ quan này suy yếu hoặc làm người bệnh tử vong do nhiễm trùng.