Nhờ vào dưa lê Kim cô nương, nông dân xã Tân Hưng (Hải Phòng) thu về số tiền lên đến 10 tỷ đồng trong năm 2014.
Dưa lê Kim cô nương đang trở thành mặt hàng nông sản được thị trường ưa chuộng. Nhờ vào loại dưa này, nhân dân xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã thu được 10 tỷ đồng trong năm 2014. Đặc biệt, có những hộ thu 100 - 150 triệu đồng/năm nhờ vào trồng dưa.
Dự báo trong năm nay, những người trồng dưa lê Kim cô nương tiếp tục thắng lớn khi giá bán tại ruộng lên đến 17.000 đồng/kg.
|
Cánh đồng dưa lê Kim cô nương. Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam |
Theo thông tin của Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Lạng Sơn, dưa lê Kim Cô Nương có hình Oval, khi chín có màu vàng kim, ruột màu vàng, cùi giòn, ngọt mát. Thời gian sinh trưởng của nó là từ 58-60 ngày, khi thu hoạch đạt từ 1,1 - 1,5 kg/quả. Đặc biệt, loại dưa này có thể bảo quản được 1 tháng, để càng lâu dưa càng ngọt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Chia sẻ với báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết, dưa lê Kim cô nương được trồng rộ lên ở Tân Hưng từ năm 2013. Ban đầu, giống dưa này được một số hộ dân đem về từ miền Nam, sau vài vụ thấy hợp đất, cho sản lượng và chất lượng cao, lại được giá, giúp cho bà con thu nhập ổn định nên nhiều hộ dân bắt đầu mở rộng diện tích trồng dưa.
Tính đến nay, toàn xã Tân Hưng có khoảng 150 hộ trồng dưa lê Kim cô nương, với diện tích lên đến 80 - 90 ha. Theo chia sẻ của ông Biên, giống dưa Kim cô nương rất thích hợp với đồng đất thịt nặng, chứ không phải đất pha cát. Nhiều bà con ở các xã lân cận thấy giống dưa này hái ra tiền nên mua hạt giống về trồng nhưng đều thất bại.
Một điều thú vị khi trồng giống dưa này là các bà con trong xã đang dự định phát triển diện tích trồng dưa ra sát xã An Hòa. Đây là nơi đất có độ chua phèn cao, tuy nhiên, dưa lê Kim cô nương lại phát triển tốt, quả có vị ngon hơn nhiều nơi khác.
Cũng trên tờ Nông Nghiệp Việt Nam, bà Đào Thị Hài chia sẻ: “Trồng giống dưa này như chăm con mọn, dù mưa hay nắng, bão gió hay trời quang, ngày nào cũng phải có mặt ở ruộng để chăm sóc, theo dõi, kiểm tra dưa. Không để dây bò lung tung mà phải định hướng, cứ khoảng 30 cm dây lại dùng ghim tre tự tạo để ghim dây vào luống sao cho dây bò vuông góc với đường viền luống và song song với các dây khác trong luống. Như vậy, dây được bảo vệ trước bão gió, và việc tỉa nhánh, lá, quả đều thuận lợi, luống lại thông thoáng”.
Được biết, chi phí cho 1 sào dưa Kim cô nương khoảng 3,5 triệu đồng đến cuối vụ sẽ cho thu lãi 10 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, bà con trồng dưa phải tự tiêu thụ, chính quyền xã Tân Hưng hi vọng sẽ sớm tìm được doanh nghiệp đồng ý bao tiêu sản phẩm này để thương hiệu dưa lê Kim cô nương của xã sẽ vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Nhân Văn (tổng hợp)