Bộ Công Thương: Xăng dầu không thiếu, người dân không mua tích trữ
Ngày 31/3, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước luôn đáp ứng đủ để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương, các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu trên phạm vi cả nước có các phương án cần thiết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng không bán hàng mà không có lý do chính đáng,...
“Việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người mua tích trữ và cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19”, Bộ Công Thương chỉ rõ.
Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không mua xăng dầu tích trữ, chỉ mua xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng thường ngày; không đưa tin thiếu chính xác và không làm theo các thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến việc mua tích trữ xăng dầu và nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu không triển khai các gói bảo hiểm về Covid-19
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm Covid-19 hay liên quan đến bệnh Covid-19.
Đây là quyết định được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19
Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm cho ra mắt gói bảo hiểm liên quan đến dịch Covid-19 với phí dịch vụ thấp chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng/khách hàng tương ứng thời hạn bảo hiểm 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm.
Quyền lợi đi kèm các gói bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng với trường hợp người mua bị tử vong (do bệnh Covid-19). Trường hợp người được bảo hiểm phải điều trị nội trú tại bệnh viện do không may nhiễm Covid-19, thì sẽ được trả chi phí y tế thực tế hoặc sẽ chi trả 1 lần là 20 triệu đồng trong trường hợp không thể cung cấp các chứng từ y tế liên quan đến việc điều trị.
Thậm chí có gói bảo hiểm còn hỗ trợ cho khách hàng 5 triệu đồng/người trong trường hợp bị cách ly y tế tập trung.
Tin tức Giá vàng 24h mới nhất hôm nay 31/3: Treo trên đỉnh
Tin tức giá vàng 24h mới nhất, giá vàng 24h mới nhất hôm nay, giá vàng mới nhất hôm nay, Giá vàng hôm nay, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.626 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.647 USD/ounce.
Giá vàng treo đỉnh bất chấp do đây vẫn là sự lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh các nước đồng loạt bơm tiền và đồng USD suy yếu nhanh chóng sau quyết định của tổng thống Mỹ Trump.
Giá vàng tăng trở lại và treo ở mức đỉnh cao trong nhiều năm sau khi đồng USD suy yếu nhanh, với chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác xuống mức 99,1 điểm
Giá vàng giữ ở mức giá cao sau khi Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế với giá 2.000 tỷ USD.
Tin tức giá vàng 24h, giá vàng 24h mới nhất hôm nay, giá vàng trong nước chốt phiên ngày 30/3 đa số đều tăng giá vàng 9999 thêm 500.000/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,80 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chứng khoán đảo chiều liên tục
Chứng khoán kết thúc phiên 31/3 ở trạng thái gần như không đổi so với tham chiếu, với VN-Index tăng 0,04%, còn VN30-Index giảm 0,37%. Nhưng khác so với những phiên trước, dao động của chỉ số trong phiên được đẩy lên rất cao. Chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất của VN-Index lên gần 30 điểm, thể hiện sự đảo chiều trong tâm lý và giằng co mạnh của thị trường.
Mở cửa phiên, VN-Index tăng hơn 10 điểm sau ATO, nới rộng lên gần 15 điểm trước giờ nghỉ trưa. Sắc xanh giữ vị thế áp đảo với nhiều mã bluechip tăng trên 3%. Tuy nhiên, ngay khi mở phiên chiều, lệnh đặt bán với khối lượng lớn ồ ạt đẩy vào thị trường khiến chỉ số ngay lập tức đảo chiều.
Chỉ vài phút sau khi mở cửa, VN-Index từ mức tăng hơn 15 điểm lùi về dưới 650 điểm, chênh lệch gần 30 điểm. Lệnh short trên thị trường phái sinh cũng khiến các hợp đồng tương lai lùi về dưới tham chiếu. Nhịp giao dịch phải mất hơn 20 phút để ổn định. Chỉ số được kéo về gần tham chiếu và đi ngang tới khi đóng cửa.
Dù có nhịp giao dịch bất thường vào đầu phiên chiều, thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, với hơn 4.100 tỷ đồng trên hai sàn niêm yết. Trong đó, riêng giao dịch thỏa thuận đã chiếm hơn 1.200 tỷ đồng.
Đến cuối phiên, nhóm bluechip ghi nhận 4 mã giảm sàn là VPB, EIB, ROS và CTD. Theo sau là STB giảm 4,5%, CTG và PNJ giảm gần 3%, SBT, MWG, VNM giảm trên 1%. Ở chiều tăng, HDB và HPG vượt trên 3%, BVH tăng 2,8%, VIC tăng 2,5%, PLX tăng 2%.