Ngày 4/4, người Việt Nam sẽ được xem hiện tượng Trăng máu. Mỗi khi Mặt Trăng máu xuất hiện sẽ kéo theo nhiều lời đồn đoán, thậm chí cả ngày tận thế của nhân loại.
Những lời đồn đại đáng sợ về hiện tượng trăng máu
Cách đây không lâu, Mark Biltz - một giáo sư Thánh Kinh đã đưa ra lý thuyết cảnh báo về hiện tượng hiếm có này.Từ thời cổ đại, con người đã biết tới hiện tượng Mặt trăng máu nhưng họ không thể giải thích được mà gắn cho nó tấm màn kỳ bí với nhiều câu chuyện, lời đồn đại tiên đoán đáng sợ. Mỗi dân tộc có tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng lại có những lời tiên đoán khác nhau.
Nhiều nền văn hóa cho rằng khi Mặt Trăng máu xuất hiện thì thế giới sẽ xảy ra nhiều biến cố
Theo các ghi chép cổ, người Babylon là dân tộc đầu tiên đã quan sát được hiện tượng nguyệt thực vào ngày 2/2/746 TCN. Sau đó, Anaxagoras là người đầu tiên giải thích hiện tượng này là do Trái đất che khuất ánh sáng từ mặt trời chiếu lên bề mặt Mặt trăng.
Tuy nhiên, người dân các nước châu Á cho rằng nguyệt thực là do một sinh vật huyền thoại như rồng, gấu hay chó sói ăn mắt Mặt Trăng, đó cũng là dấu hiệu các vị thần đang tức giận chuẩn bị trừng phạt loài người.
Dịch bệnh, đói khát, mất mùa...có liên quan tới hiện tượng trăng máu?
Người Trung Quốc đã quan sát hiện tượng Mặt trăng máu từ năm 1000 TCN nhưng họ cũng không tìm hiểu được nguyên nhân của nó. Trong niềm tin tín ngưỡng, khi mặt trăng bị nhuốm màu đỏ như máu và biến mất khỏi bầu trời là lúc những con quỷ dữ tràn tới gây ra đại họa dịch bệnh, đói khát, mất mùa. Họ tổ chức những lễ vật cúng tế và dùng chiêng trống xua đuổi lũ quỷ.
Mặt Trăng máu luôn đem theo những điều khủng khiếp
Ở Nhật Bản, người dân sợ hãi thứ ánh sáng của Mặt trăng máu đến mức phải chui xuống những căn hầm trú ẩn. Một số khác thì tin rằng hiện tượng này báo hiệu trận động đất lớn sắp xảy ra.
Người Ấn Độ thì luôn ở trong nhà, tĩnh tâm, không ăn thức ăn nấu chín, không đụng tới vật sắc nhọn để có thêm niềm tin xóa bỏ sức mạnh đen tối của mặt trăng đỏ. Với họ, nguyệt thực báo hiệu ngày tận thế và có thể một cuộc chiến tranh sẽ ập tới.
Ngày tận thế
Trong đạo Phật, hiện tượng mặt trăng máu cũng đứng đầu trong 7 đại nạn có thể xảy ra. Đại nạn xếp vị trí số 1 này được gọi là "nhất nguyệt thất độ", là sự thay đổi màu sắc của Mặt trăng Mặt trời, trong đó có Mặt trăng máu. Khi hiện tượng này xảy ra, đại họa sẽ ập tới và hủy diệt cuộc sống Bình An của người dân.
Theo những tài liệu ghi lại trong cuốn "Đại Chính Tàng Kinh": "Nếu có nhật nguyệt bạc thực, hoặc ngũ tinh hình sắc biến dị, hoặc sao chổi bùng phát thì đó là dấu hiệu của tai họa, dịch bệnh hoành hành, quỷ thần bạo loạn, quân giặc dị quốc xâm lược". "Nhật nguyệt bạc thực" ở đây chính là nhật thực toàn phần hoặc nguyệt thực toàn phần mà khoa học nói tới. Khi ấy hoặc là đại ôn dịch lưu hành, hoặc là gặp họa binh đao.
Từ đó có thể thấy, hiện tượng mặt trăng máu trong quan niệm của tín ngưỡng và tôn giáo luôn gắn liền với những "đại họa", những biến cố của tự nhiên hoặc lịch sử. Tuy nhiên, đối với khoa học, hiện tượng mặt trăng máu là hiện tượng tự nhiên kỳ thú mà nhiều người yêu thiên văn học rất mong chờ.
Và sự thật về Mặt Trăng máu
Nguyệt thực toàn phần hay Mặt trăng máu là hiện tượng thiên văn bình thường khi mặt trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất và che mất nguồn ánh sáng Mặt Trời. Còn màu đỏ như máu của mặt trăng là do ánh sáng từ bề mặt mặt trăng bị khúc xạ khi xuyên qua khí quyển trái đất và biến thành màu đỏ rực qua mắt người (giống như cơ chế nhuộm đỏ bầu trời mỗi khi Bình Minh và hoàng hôn).
Lý giải về hiện tượng Mặt Trăng máu
Ông Perry Vlahos - người phát ngôn của Hội thiên văn ở Victoria (Australia) cho biết, những màu sắc của Mặt Trăng khi nguyệt thực là do tro bụi núi lửa trong khí quyển gây ra. Lượng tro bụi từ các vụ phun trào gần đây càng nhiều, màu sắc của Mặt Trăng càng đậm. Ông cũng cho rằng, màu sắc này càng đậm thì càng tốt.
Như vậy, hiện tượng mặt trăng máu thực chất chỉ là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp, nó không phải là dấu hiệu của thiên tai, cũng chẳng hề liên quan tới đại họa diệt vong của loài người. Được biết, trong thế kỷ 21, sẽ có tổng cộng 8 lần xảy ra hiện tượng tứ kỳ nguyệt thực.
Đối với giới thiên văn học và những người yêu mặt trăng, đây quả là một chuỗi sự kiện đáng được chào đón.
Trang Vũ (Tổng hợp)