Dịch vụ "taxi giá rẻ" đang nổi tiếng khắp thế giới này liên tục gặp nhiều sự cố trong thời gian gần đây. Mới đây nhất, chính quyền thành phố Paris đã ra lệnh cấm dịch vụ này từ 1/1/2015. Trong khi đó ở phía nam bán cầu, hành vi "làm giá" gấp 4 lần bình thường đã khiến nhiều người ác cảm với Uber.
Bắt cóc con tin, giá thành đội lên 4 lần
Một trong những điểm nóng những ngày qua là vụ bắt cóc con tin ở Sydney. Trong khi diễn biến còn đang phức tạp và bắt đầu xuất hiện thương vong, nhiều người dân trong khu vực tỏ ra hoảng hốt và muốn tránh thật xa nơi này. Nhiều người trong số họ đã nghĩ tới Uber. Nhưng...
Hầu hết mọi người cảm thấy bất ngờ với những thông báo sau. Giá thấp nhất để thuê một chiếc xe lên tới 100 USD, 4 USD cho một phút và 10 USD cho một km. Một khách hàng quen thuộc của Uber, Matthew Leung, bức xúc: "Tôi chưa bao giờ, chưa bao thấy mức giá cao gấp 4 lần (bình thường) và tôi nằm trong top 1% người dùng Uber (thường xuyên). Tôi cũng hiểu kinh doanh là như thế nào - cầu càng cao thì giá càng cao - nhưng giá gấp tư ở mức tối thiểu 100 USD thật quá lố bịch. Hầu hết giá cả đều vượt mức tệ hại".
Và như "đổ thêm dầu vào lửa", tài khoản Twitter Uber Sydney còn đăng một status như sau: "Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến tình hình thời sự tại CBD (Central Business District - nơi xảy ra vụ bắt cóc). Giá thuê xe đã được tăng nhằm khuyến khích thêm nhiều lái xe online và đến đón khách trong khu vực". Ngay lập tức đã có hàng chục bình luận phản đối việc tăng giá này.
Dường như ý thức được chuyện "nhỡ lời" của mình, tài khoản Uber Sydney liền đính chính 1 giờ sau đấy: "Các chuyến xe của Uber ra khỏi CBD trong hôm nay đều được miễn phí. Các lái xe Uber có thể giúp mọi người trở về nhà an toàn". Katie Curran, đại diện của Uber, cũng cho biết những ai "lỡ" phải trả nhiều hơn trong sự cố vừa rồi có thể gửi mail tới địa chỉ supportsydney@uber.com để lấy lại số tiền đã bỏ ra.
Mặc dù vậy, hành động đó vẫn không ngăn được việc có nhiều người "nổi đoá" với công ty này. Một số còn đòi Úc cấm công ty Mỹ hoạt động tại đây, tương tự như một số nơi khác trên thế giới.
Mặc dù vậy, hành động đó vẫn không ngăn được việc có nhiều người "nổi đoá" với công ty này. Một số còn đòi Úc cấm công ty Mỹ hoạt động tại đây, tương tự như một số nơi khác trên thế giới.
Surge Pricing - Cội nguồn sự việc
Sự cố đội giá tại Sydney vừa qua có thể không phải hành vi có chủ ý của Uber. Đây là một Chính sách (tự động) mà hãng này đã áp dụng trong nhiều thời gian qua. Theo mô tả của Uber, hiện tượng đội giá (surge) này như sau: "Giá Uber sẽ tăng nhằm thu hút thêm nhiều xe nữa có mặt trên đường nhằm đảm bảo tính ổn định của dịch vụ kể cả trong những lúc bận rộn nhất. Khi số lượng xe trên đường đã đủ, giá thành sẽ trở lại mức thông thường".
Đây cũng không phải lần đầu tiên mà giá của Uber bị đội lên. Như hồi giao thừa 2012, giá dịch vụ này cũng vọt lên đáng kể và nhiều người tỏ ra không hài lòng về điều này, khi Uber được xem là lựa chọn giá rẻ và phải chăng hơn nhiều taxi truyền thống. Hoặc trong sự cố mưa to liên tiếp nhiều ngày qua ở Bay Area (San Francisco), giá dịch vụ Uber cũng đã bị đội lên.
Tất nhiên mô hình cung cầu kinh doanh là chuyện có thể hiểu, song sự cố lần này liên quan tới vấn đề đạo đức nhiều hơn là kinh tế. Nhiều người ủng hộ Uber không chỉ ở giá thành thấp hơn mà còn ở các khía cạnh về chất lượng dịch vụ và phần nào là "cảm tình" với Uber hơn taxi vốn đã có nhiều tiếng xấu từ nhiều năm nay. Nhưng dường như dịch vụ mới có mặt được 5 năm này đang khiến nhiều người tự hỏi nó có thực sự "tốt đẹp" hơn taxi hay không? Hiện công ty này đang phải đối mặt với nhiều đơn kiện từ các hãng taxi tại chính quê hương mình.
Rời khỏi Pháp
Vận đen vẫn đang bám đuổi công ty trị giá 40 tỷ USD này. Hôm thứ Hai, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Pháp, Pierre-Henry Brandet, cho biết từ ngày đầu năm sau, ứng dụng của Uber tại nước này, UberPop, sẽ bị cấm hoạt động. Đây là kết quả sau cuộc tranh đấu của các công đoàn taxi tại Pháp trong suốt thời gian qua. Các tài xế taxi đã biểu tình dọc 160 km các tuyến đường quanh Paris vào giờ cao điểm buổi sáng các ngày để phản đối sự có mặt của Uber.
Một số thông tin còn cho rằng dịch vụ của Uber không đảm bảo an toàn về mặt bảo hiểm cho người sử dụng tại Pháp. Nhưng hãng này cho biết đã tham gia đầy đủ các dịch vụ bảo hiểm và vẫn tranh cãi với chính quyền sở tại về việc trên.
Hồi tháng 10, một công ty con của Uber tại đây đã bị phạt 100.000 Euro vì lý do có những hành vi cạnh tranh gian lận, khi toà án phát hiện công ty này đã quảng cáo UberPop như là một dịch vụ xài chung xe hơi thay vì vận tải có trả tiền.
Hiện tại công ty này đã bị cấm hoạt động tại Hà Lan.
Trang Vũ (Tham khảo Mashable, Reuters, Uber)