Nhập gia tùy tục, nhưng không phải lúc nào một du khách cũng biết cách nhập tục như nào cho chuẩn. Chính vì vậy, nhiều hành động mà khách du lịch làm thường không được lòng người dân địa phương.
Đôi khi, là một vị khách du lịch có đem đến cho bạn nhiều rắc rối. Nhập gia tùy tục, nhưng không phải lúc nào một du khách cũng biết cách nhập tục như nào cho chuẩn. Chính vì vậy, nhiều hành động mà khách du lịch làm thường không được lòng người dân địa phương.
Khi được hỏi về điều gì khó chịu nhất mà khách làm tại đất nước bạn, nhiều người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về những điều khiến họ thực sự ghét ở những vị khách nước ngoài tới tham quan đất nước mình.
Đan Mạch: Khách du lịch đi lấn làn
Andreas Rosendahl Hansen là một người dân Đan Mạch và anh rất ghét khi khách du lịch lờ đi những quy định đơn giản tại đất nước này về vỉa hè, lối cho người đi bộ hay lòng đường.
"Mỗi mùa hè, thủ đô Copenhagen tràn ngập du khách nước ngoài. Họ chẳng buồn đọc hướng dẫn về giao thông tại thành phố này mà cứ ngang nhiên đi trên đường dành cho người đi xe đạp, kéo vali rồi chụp ảnh".
Ấn Độ: Đi tập Yoga
Siddharth Agarwal đến từ Ấn Độ nói rằng anh vô cùng ghét khi khách nước ngoài đến Ấn Độ để "tập Yoga theo cái cách ngu ngốc nhất, theo các lớp học tĩnh tâm hay học thiền giả mạo và thực sự vô giáo dục". Anh thẳng thắn nói rằng họ chẳng biết gì về thiền hay Yoga cả. Tại Ấn Độ, Yoga giờ đã trở thành một ngành công nghiệp và không phải cách để tìm đến sự tĩnh tâm.
"Quả là khó chịu khi thấy những du khách nước ngoài đến Ấn Độ để tìm sự tĩnh tâm nhưng cuối cùng lại rơi vào tay những gã dạy Yoga chỉ biết đến tiền".
Italy: Không tuân thủ theo luật
"Khách nước ngoài tin rằng, Italy là một quốc gia xinh đẹp mà chẳng có luật lệ gì cả. Họ nghĩ rằng họ muốn làm gì ở Italy cũng được. Để tôi nói cho bạn điều nho nhỏ: không đúng đâu bạn ơi! Bạn không thể tắm ở đài phun nước Trevi, không đi vệ sinh trên phố lúc nửa đêm hay trèo lên vài cái tượng mà selfie (như một số người đã làm với nhiều bức tượng)", Gianmarco Prete, một người Italy cho biết.
Anh cũng vô cùng ghét khi nghĩ rằng người Italy nào cũng biết nói tiếng Anh hay đi nhà hàng mà cứ yêu cầu món ăn Italy theo kiểu Mỹ.
Indonesia: Những khách du lịch đi xin ăn
Nariswari Khairanisa Nurjaman chia sẻ rằng cô đã quá chán ngán với hình ảnh du khách phương Tây đi xin ăn hay tìm cách quyên tiền để đi du lịch.
"Cái này mà còn không khó chịu thì không hiểu cái gì mới khó chịu nữa", cô chia sẻ. "Tôi thấy thật vớ vẩn khi một số du khách từ các nước giàu đến những quốc gia kém phát triển để xin tiền đi du lịch. Người dân ở đây cũng làm gì có tiền đâu?".
Đức: Chụp ảnh tại các địa điểm liên quan tới nạn nhân Holocaust
Sống tại Berlin lâu năm, chị Sarah Freytag chia sẻ rằng mình cực kỳ ghét khi du khách chụp ảnh tự sướng trước các trại tập trung hay khu vực tưởng niệm các nạn nhân thời kỳ Đức Quốc Xã. Mọi chuyện còn khiến cô khó chịu hơn khi chứng kiến nhiều du khách "chụp ảnh hài hước, giơ biểu tượng chiến thắng" tại những địa điểm này.
Thái Lan: Chụp ảnh với hổ
Chụp ảnh với hổ là một hoạt động được nhiều du khách làm khi tới Thái Lan. Anh chàng Belle Bunyaporn sống tại Bangkok cho biết người dân địa phương cực kỳ ghét khi du khách chụp ảnh với những chú hổ đã bị đánh thuốc.
"Việc sử dụng động vật hoang dã làm nền cho những bức hình câu like sống ảo trên Facebook là không chấp nhận được, mặc dù khi nhìn qua thì trông nó không có vấn đề gì", anh cho biết. "Bóc lột động vật là một sự độc ác và những điều người ta làm với hổ sẽ gây ra đau đớn cho loài động vật này".
Na Uy: Đến quá gần các dòng sông băng
Arve Løken cho biết các dòng sông băng tại Na Uy đã dựng rào và lắp các biển cảnh báo vì một lý do: Nhiều người thường thiệt mạng tại các dòng sông băng.
"Khách du lịch không biết rằng các con sông băng cũng rất nguy hiểm. Mà để đến mức phải dựng rào che chắn là đủ hiểu nó nguy hiểm cỡ nào rồi. Tuy nhiên, để an toàn thì tốt nhất là họ nên đứng cách hàng rào xa ra".
Anh: Nói chuyện quá to trên tàu điện ngầm
Simon Millward nói rằng anh rất khó chịu khi khách du lịch nói qua to trên tàu điện ngầm, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
"Chúng tôi không đi tàu để vui; chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Mọi người đều rất mệt khi đi tàu điện ngầm về nhà nên mong họ hãy nói ít thôi và tôn trọng người khác".
Úc: Lái xe sai làn đường
Elle Lucia sống tại Australia cho biết chị cảm thấy vô cùng bức xúc khi người nước ngoài tới Úc và lái xe sai làn đường.
"Tại Úc, chúng tôi lái xe về bên tay trái. Trong khi phần lớn các nước khác trên thế giới lái xe làn bên phải", chị Elle chia sẻ. Chính vì vậy, việc khách du lịch lái xe sai làn đường có thể gây ra tai nạn cho người dân địa phương.
Indonesia: Thuê xe máy
Wirawan Winarto sống tại Indonesia cho biết rằng những con đường tại đất nước này thường rất xập xệ, chật chội, đầy ổ gà và nhiều người đi không theo luật. Với người dân địa phương, việc lái xe đã khá chật vật nhưng khi có người nước ngoài lái xe trên đường, dân địa phương còn sợ hãi hơn vì họ là đối tượng có thể dễ gây ra tai nạn.
Ấn Độ: Chụp ảnh tại các khu ổ chuột
Angrad Singh không thể hiểu tại sao khách nước ngoài lại "bị thu hút với cái nghèo" và họ thường "đến những khu ổ chuột mà chẳng được mời, tay lăm le chiếc máy ảnh DSLR và chụp ảnh".
"Họ không phải là những con vật trong sở thú để cho các bạn chụp ảnh mà không được phép. Khách du lịch cứ đi lang thang ở đó rồi chụp ảnh, ghi lại sự nghèo đói của người dân. Đây là nhà của họ, nơi họ sống và làm việc chứ không phải phim trường".