25 người nguyên là cán bộ các ngân hàng đã cùng tham gia phiên xử liên quan sai phạm của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty thủy sản Phương Nam, Sóc Trăng).
Theo đó, phiên tòa diễn ra từ ngày 20/7 và dự kiến sẽ kéo dài trong 10 ngày. Theo Vietnamnet, trước tòa, hầu hết các bị cáo được phép sử dụng bút, giấy để ghi lại những lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát. Nhiều bị cáo hầu tòa đến ngày thứ 6 đã tỏ ra mệt mỏi, ngồi chống cằm suy nghĩ.
Có bị cáo chăm chú theo dõi, ghi lại những “điểm quan trọng” mà Kiểm sát viên luận tội, đề nghị HĐXX xử nghiêm trước hành vi mà các bị cáo đã gây ra.
Dàn nguyên cán bộ ngân hàng hầu tòa. Ảnh: Vietnamnet |
Theo cáo trạng vụ án, Cty Phương Nam được thành lập năm 1998, trở thành Cty cổ phần sau đó 2 năm, với vốn điều lệ 295 tỉ đồng. Trong đó, ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty; bà Lâm Ngọc Hân (con gái ông Khuân) làm Phó Giám đốc; Trịnh Thị Hồng Phượng làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh; Lâm Minh Mẫn làm Kế toán trưởng. Từ năm 2008 - 9.2012, Cty Phương Nam thua lỗ gần 1.000 tỉ đồng. Để đủ điều kiện vay NH, Cty Phương Nam lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung hằng năm đều có lãi.
Sự mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt các bị cáo. Ảnh: Báo Lao động |
Trong thời gian này, Cty có quan hệ tín dụng với NH Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang), NH Phát triển VN (VDB) chi nhánh Sóc Trăng, Vietcombank Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và NH An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu. Để vay được hàng nghìn tỉ đồng bằng 21 hợp đồng thế chấp, Cty Phương Nam lập báo cáo khống về số hàng tồn kho là tôm đông lạnh. Trong đó, năm 2010, lãnh đạo Cty ký 5 hợp đồng thế chấp với 4 NH với giá trị hàng tồn kho được nâng khống từ 111 tỉ đồng lên 1.957 tỉ đồng.
Tin tức trên báo Lao Động cho hay, từ tháng 4.2011 đến tháng 2.2012, Cty Phương Nam ký 8 hợp đồng vay vốn của 5 NH, giá trị hàng tồn kho ở thời điểm nhiều nhất là 280 tỉ đồng nhưng được nâng khống lên 2.140 tỉ đồng. Như vậy, trong các lần vay vốn, đơn vị nâng khống giá trị tài sản đảm bảo khoảng 1.900 tỉ đồng, đến tháng 5.2014, giá trị thật của tài sản này chỉ còn trên 40,5 tỉ đồng.
Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), Cty Phương Nam đã gian dối trong việc sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu và chi phí sản xuất để sao y ra thành nhiều bản, gửi các ngân hàng để che giấu việc sử dụng vốn sai mục đích. Bằng thủ đoạn gian dối, Cty Phương Nam được các ngân hàng cho vay gần 16.170 tỉ đồng trong nhiều năm. Trên thực tế, Cty chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích để duy trì sản xuất kinh doanh là 5.971 tỉ đồng, còn lại trên 10.198 tỉ được sử dụng sai mục đích, chủ yếu là đảo nợ và trả lãi vay.
Theo Báo Người Lao động, trong tổng số nợ gốc của Công ty Phương Nam, có 3 ngân hàng bị nợ nhiều nhất là ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Chi nhánh Sóc Trăng trên 498 tỷ đồng (làm tròn số), ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang (LPB Hậu Giang) 328 tỷ đồng và ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (VDB Sóc Trăng) 341 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi có kết luận điều tra của Bộ Công an, VKSND Tối cao chỉ truy tố 25 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 chi nhánh NH, gồm: VDB Sóc Trăng, LPB Hậu Giang, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Sóc Trăng (Sacombank Sóc Trăng), ngân hàng TMCP An Bình Chi nhánh Bạc Liêu (ABBank Bạc Liêu) và ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (VCB Sóc Trăng). Riêng sai phạm tại ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Sóc Trăng cùng với ngân hàng Liên doanh Việt Thái và ngân hàng Công Thương Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách riêng để điều tra xử lý sau.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, căn cứ vào tài liệu điều tra, có cơ sở xác định hành vi vi phạm quy định cho vay của cán bộ tại 5 chi nhánh ngân hàng nói trên. Điển hình, mặc dù biết việc cán bộ tín dụng và tổ thẩm định tài sản thế chấp không kiểm tra thực tế, chỉ dựa vào báo cáo của Công ty Phương Nam để lập báo cáo thẩm định nhưng bị can Nguyễn Thế Thắng (nguyên giám đốc VDB Sóc Trăng) vẫn ký duyệt giải ngân 19 lần với số tiền 135 tỷ đồng.
Cha con Lâm Ngọc Khuân đang bị truy nã quốc tế. Ảnh: Zing |
Tương tự, bị can Đỗ Hùng Sở (nguyên giám đốc LPB Hậu Giang) không chỉ đạo cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản của Công ty Phương Nam đem thế chấp cho ngân hàng khác, không chỉ đạo kiểm tra thực tế hàng tồn kho, khi ký giải ngân đã không kiểm tra lại hồ sơ mà cán bộ cấp dưới trình, dẫn đến hồ sơ giải ngân phần lớn là chứng từ mua hàng hóa photo copy… Bị can Sở là người chịu trách nhiệm chính trong việc ký giải ngân 33 khế ước trị giá gần 120 tỷ đồng và 4.585.000 USD.
Đối với bị can Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng), mặc dù biết Công ty Phương Nam sử dụng vốn sai mục đích nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân, dẫn đến việc bị Khuân và đồng bọn chiếm đoạt nợ gốc gần 147 tỷ đồng.
Trong khi đó, bị can Nguyễn Văn Sơn (nguyên giám đốc ABBank Bạc Liêu), dù biết rõ Công ty Phương Nam còn nợ trên 42 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục giải ngân trên 83 tỷ đồng để công ty trả nợ cũ, qua đó bị chiếm đoạt trên 80 tỷ đồng.
Ngoài 25 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng còn có 2 bị can giúp sức cho Khuân lừa đảo cũng bị truy tố trước tòa. Đó là Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng) và Trần Thị Hồng Phương (nguyên phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Phương Nam).
Liên quan đến vụ án, sau hơn 2 năm điều tra, nhà chức trách xác định ông Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân (nguyên giám đốc công ty) có vai trò chủ mưu, cầm đầu để kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng (cùng 35 tuổi) thực hiện các thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt gần 785 tỷ đồng. Sau đó, cha con ông Khuân sang Mỹ và bỏ trốn. Bộ Công an đã truy nã quốc tế đối với Khuân và Hân nhưng đến nay chưa bắt được.
Nam Nam (Tổng hợp)