Đúng 9 tháng lẻ 1 ngày tìm kiếm, thi thể chị Huyền - nạn nhân bị chủ TMV Cát Tường phân xác ném xuống sông Hồng được tìm thấy ở khu vực bến đồ Văn Đức. 5 năm sau ký ức buồn đau, thương con rể và 2 cháu trai, bà từng khuyên con rể đi bước nữa nếu thực sự hạnh phúc.
Cách đây 5 năm, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường khép lại với bản án 19 năm tù dành cho Nguyễn Mạnh Tường và 33 tháng tù giam với Đào Quang Khánh, nhưng có lẽ sẽ rất lâu nữa người ta mới có thể quên vụ án phi tang xác gây rúng động này. Nhất là người nhà nạn nhân, họ chẳng bao giờ thôi ám ảnh về hình ảnh cái xác không nguyện vẹn được tìm thấy tại bến đò Vân Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Ngày gặp lại chúng tôi sau ngần ấy thời gian, bà Nguyễn Thị Hiền (72 tuổi, mẹ nạn nhân) nở nụ cười hiền hậu, thanh thản.
"Nhanh quá, 5 năm rồi...".
Bà Nguyễn Thị Hiền - mẹ nạn nhân Huyền. |
Một năm nín thở theo dõi diễn biến vụ án với thi thể không bị phân huỷ
Vào ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm) đến thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để hút mỡ bụng và nâng ngực. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp Phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền.
Chiều cùng ngày, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Nguyễn Mạnh Tường cùng các nhân viên cấp cứu cho chị Huyền nhưng không thành công. Đến khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng bảo vệ Đào Quang Khánh đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đến Bệnh viện Bưu Điện (Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội). Khánh cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo sau xe ô tô của Tường. Khi đến cổng bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có đông người và xác chị Huyền đã bị cứng nên Tường sợ lộ, không đi vào trong bệnh viện mà dừng lại ngoài đường.
Để phi tang xác, Tường và Khánh đã bàn kế hoạch chở xác của chị Huyền lên cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng.
Thẩm mỹ viện Cát Tường nơi xảy ra vụ án rúng động năm 2013. |
Nguyễn Mạnh Tường bị cơ quan chức năng di lý đến nơi anh ta ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. |
Đến ngày 21/10/2013, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, cả 2 khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai phù hợp với lời khai của nhân chứng và các tài liệu khách thu thập được trong quá trình điều tra.
Sau nhiều ngày quần thảo tại chân cầu Thanh Trì, nơi được xác định là vị trí mà Tường ném xác chị Huyền để phi tang, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều lực lượng đã được huy động tìm kiếm thi thể người xấu số trên sông Hồng xuôi về hạ lưu. Trong đó, hàng chục thợ lặn đã tìm nhiều ngày tại các mố cầu Thanh Trì, dùng nhiều phương tiện máy móc hỗ trợ nhưng không phát hiện bất cứ một dấu vết nào về thi thể nạn nhân Huyền.
Trong suốt quá trình vụ án xảy ra, gia đình chị Huyền đã phải chi một khoản tiền khổng lồ để thuê thợ lặn, thuê thuyền tìm xác chị Huyền trên sông. Có rất nhiều nhà ngoại cảm xuất hiện trong vụ án này, ai cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng sẽ tìm thấy xác chị Huyền. Thế nhưng, càng hy vọng lại càng không có kết quả. Cả luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cũng tham gia vào các cuộc tìm xác.
Trải qua 300 ngày tìm kiếm dọc sông Hồng, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy. Trước khi bị ném xuống sông, chị Huyền bị Tường phân xác. |
Dù chưa tìm được thi thể, nhưng vào 14h ngày 5/12/2013, gia đình vẫn tổ chức tang lễ cho chị Huyền tại nhà tang lễ Thanh Nhàn (Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội). Không khí tang thương bao trùm, ai cũng xót thương cho người phụ nữ xấu số. Tiếng khóc của người thân khiến ai cũng phải đau xót, nghẹn lòng.
Vụ án tưởng chừng như đã lắng xuống, hy vọng tìm thấy xác chị Huyền ngày một mong manh, thì đến ngày 18/7/2014, tại bến đò Vân Đức (Gia Lâm - Hà Nội), người dân phát hiện một xác chết không đầu nghi của chị Huyền. Sau khi xét nghiệm ADN, cơ quan điều tra khẳng định, ADN của xác chết này phù hợp với của nạn nhân. Những người làm nghề sông nước cho rằng, thi thể chị Huyền được tìm thấy sau 9 tháng mất tích mà chưa phân hủy là điều chưa từng thấy.
Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm (4 - 5/12/2014), HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" và 5 năm về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", tổng hình phạt là 19 năm tù giam.
Bản án dành cho Tường là 19 năm tù. Còn Khánh - đồng phạm 33 tháng tù giam. |
Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản" và 9 tháng tháng tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", tổng hình phạt là 33 tháng tù giam.
Về dân sự, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bị buộc phải bồi thường cho người đại diện hợp pháp của chị Huyền là anh Nguyễn Hữu Huy (chồng nạn nhân) hơn 585 triệu chi phí mai táng, tổn thất tinh thần, chi phí tìm kiếm; phải cấp dưỡng nuôi 2 con chị Huyền mỗi cháu 1 triệu/tháng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Hành trình hơn 300 ngày đi tìm công lý cho chị Huyền khép lại bằng một bản án thích đáng dành cho Tường và Khánh. Để lại đằng sau đó, là nước mắt và những thương đau dai dẳng. 9 tháng nằm dưới lòng sông lạnh lẽo, "ngấm" bao đau đớn, cuối cùng chị Huyền đã có thể về với gia đình, với chồng và 2 người con trai.
Nước mắt trên khuôn mặt người mẹ già nhìn con gái chết oan uổng. |
"Ai nói sống là sống, chết là chết được ngay..."
15/9/2018. Đúng 5 năm ngày giỗ của chị Huyền. Người nhà tập trung đông đủ, con trai lớn chị Huyền nay đã vào Đại học, cháu bé cũng đã lên lớp 8. Cuộc sống của 3 bố con anh Huy sau 5 năm thiếu vắng chị Huyền cơ bản không đổi thay nhiều. Chỉ có điều khi nhắc tới chị, anh và 2 cháu lại khóc.
"Nếu gặp lại Tường, cháu sẽ đánh anh ta để.... trả thù cho mẹ".
"Nhưng tôi và gia đình chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trả thù Tường", bà Hiền nói, "Dù đã 5 năm rồi, một quãng thời gian không thể nói là đủ lớn để bù đắp cho chúng tôi, nhưng trả thù Tường chúng tôi được lợi gì. Với cá nhân mình, tôi không bao giờ quên được hình ảnh con gái. Một thi thể mất đầu, mất 2 chân, 2 tay, nhưng kì lạ, con tôi vẫn nhỏ nhắn, không trương phình.
Có những đêm, tôi mơ thấy con gái về gặp mình. Tôi lại khóc...".
Nhớ lại thời điểm có lẽ là kinh khủng nhất cuộc đời mình, bà Hiền bình tĩnh kể lại hành trình đi tìm con gái, rõ ràng, mạch lạc như một thước phim quay chậm. Như bà đã từng nói, chị Huyền là người con gái duy nhất đáng thương mà cũng đáng trách vì đã "bỏ" bà mà đi không một lời trăng trối.
Sau bao nhiêu thăng trầm, nghĩ về con gái, bà Hiền vẫn không nguôi day dứt. |
Đêm ấy, chị Huyền mất liên lạc với gia đình. Mọi người chia nhau mang theo gậy gộc, đèn pin tìm kiếm chị quanh khu vực đường Cổ Linh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) nơi phát hiện xe máy của chị bị bỏ lại cùng điện thoại di động. Nhiều giả thiết lúc này được đưa ra: trộm cắp tài sản, tai nạn hay thậm chí là bắt cóc tống tiền. Nhưng tiếc, đến tối cùng ngày gia đình vẫn không thể biết chính xác chị Huyền đang ở đâu.
Nhiều ngày sau, bà Hiền cùng người thân được cơ quan công an mời lên làm việc. Trước đó Tường đã bị bắt sau khi các loại hoá đơn thanh toán tại thẩm mỹ viện của anh ta được lực lượng chức năng tìm thấy. Tường bình tĩnh khai đã ném xác nạn nhân xuống sông Hồng, khu vực cầu Thanh Trì sau khi thất bại trong việc cứu chữa chị khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Như sét đánh ngang tai, bà Hiền không giữ được bình tĩnh. "Khi ấy tôi biết 90% là mất con rồi, nhưng vẫn còn 10% hy vọng tìm thấy nó ở đâu, không phải dưới đáy sông Hồng. Chúng tôi ròng rã kiếm tìm Huyền khắp nơi, gần như con đường dẫn xuống cầu Thanh Trì đã thành lối mòn. Ai chỉ ở đâu có thể tìm thấy con, tôi cũng đi, thậm chí là đi một mình. Đi dọc hai bên bờ sông dài hàng chục km, tôi phát tờ rơi ghi số điện thoại của gia đình nếu ai thấy thi thể xin gọi điện thông báo".
Mong muốn tìm thấy thi thể con, người nhà nạn nhân bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu thuê thợ hút cát, đào bới dưới bãi sông Hồng. Họ hy vọng thi thể chị bị "vướng" vào đâu đó, có thể tìm lại. Cứ như thế, bà Hiền mò ra sông ra chợ nhiều hơn là về nhà. Bà không yên lòng khi hình ảnh con mình một mình nằm lại ở ngoài kia không thôi ám ảnh trong suy nghĩ. Bà sẵn sàng tâm lý, sẽ có một ngày thi thể con gái, có thể bị cá rỉa hết chỉ còn lại xương, sẽ được mang về nhà.
Đúng 9 tháng lẻ 1 ngày, thi thể chị Huyền được tìm thấy ở khu vực bến đồ Văn Đức. Lòng người mẹ bồn chồn, lo lắng. Gần 300 ngày đi từ Việt Trì (Phú Thọ), rồi dọc sông Hồng, đoạn từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) cho đến cửa biển Ba Lạt (Thái Bình), tất cả đã khép lại bằng một kết cục xót xa đến tận cùng.
"Không cần xét nghiệm ADN tôi cũng nhận ra con mình. Nó không đầu, không tay, không chân, một phần thi thể bị cá rỉa, nhưng mà đó là con tôi. Nó nhỏ nhắn, cơ thể không bị phân huỷ nhiều, tôi nghi ngờ trước đó Tường đã đặt Huyền vào nhà xác một khoảng thời gian trước khi ném xuống sông. 9 tháng rồi, cả một hành trình quá dài cho bao đau thương, mất mát, cuối cùng tôi cũng tìm thấy con gái mình".
Bà Hiền bảo, ai nói sống là sống, chết là chết được ngay, cuộc sống đi theo quy luật. Chị Huyền con bà chết đi cũng là cái số, cái mệnh. Nhưng mà như bất cứ người mẹ nào, bà xót con đến mức tự trách bản thân mình.
"Con tôi giỏi giang, hiền lành nhưng đoản mệnh".
Chị Huyền sinh năm 1974, là con gái lớn trong gia đình, dưới chị có 2 em trai. Chị kết hôn với anh Nguyễn Hữu Huy và có 2 con trai. Trước khi qua đời, chị giữ chức trưởng phòng vé máy bay của một công ty lữ hành du lịch.
Hồi trước, mỗi lần bà Hiền ốm, chị Huyền đều tới bệnh viện thăm nom rồi ngủ lại cùng mẹ. Dù sao con gái cũng có tình cảm riêng.
Trong suốt buổi trò chuyện, bà Hiền vẫn luôn miệng nói "nếu như".
"Nếu như Tường đưa Huyền sang Bệnh viện Bạch Mai cạnh đó cấp cứu thì có lẽ con tôi đã không chết".
"Nếu như Tường chấp nhận đối diện trực tiếp thì có lẽ đã không có chuyện chúng tôi bức xúc đến tận cùng như vậy".
"Nếu như Tường, với chuyên môn của một bác sĩ có trách nhiệm, đủ bình tĩnh để xử lý hợp tình hơn, thì con tôi đã không phải nằm lạnh lẽo hơn 300 ngày dưới đáy sông".
Một điều tra viên cho hay Tường tỏ ra dằn vặt, khai: "Do hoảng loạn tôi đã hành động quá ngu dốt". Nhưng tại phiên toà xét xử, anh ta vẫn cố "cãi tay đôi" với thẩm phán và luật sư bị hại. Bản án được tuyên với mức 19 năm tù dành cho bị cáo. Nhiều người cho rằng, có lẽ luật pháp đã quá nhẹ tay với tên sát nhân như Tường. Tuy nhiên, phát biểu lời cuối cùng trước khi cảnh sát đưa Tường đi, mẹ chị Huyền chỉ nói 2 điều.
"Thứ nhất, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Tường, dù thế nào đi chăng nữa.
Thứ hai, bản án 19 năm tù đối với Tường, dù là nhẹ hay nặng, thì toà cũng đã xử đúng người, đúng tội, chúng tôi không có ý kiến gì. Chỉ mong sau này không có những kiếp người đau khổ, phải chết oan ức như con gái tôi".
"Con xem thế nào, hay là đi bước nữa?"
Từ ngày tìm thấy con gái, bà Hiền thường đi tụng kinh, lên chùa khấn vái để dần quên đi nỗi đau. Cuộc sống gia đình 2 bên cũng không có gì mới. Vợ chồng bà có lương hưu, đủ để sống qua ngày đoạn tháng mà không cần phụ thuộc vào con cái.
"Tôi đi nhiều tiếp xúc bạn bè để phần nào khuây khoả, giải quyết tâm lý. Chứ nói thật, mình nuôi được đứa con, tự dưng nó "bỏ đi" như thế, quên làm sao được. Tôi nghĩ đến chết tôi cũng không quên được. Người mẹ nào cũng vậy, đau lòng, nhưng sống vẫn phải sống".
Dù rất bức xúc trước hành vi của Nguyễn Mạnh Tường, nhưng bà Hiền cũng không lấy đó làm cớ để oán hận người nhà anh ta. Bà biết gia đình Tường cũng hoàn cảnh, bố mất sớm, mẹ già, một người em không được khôn ngoan. Tường cũng có 2 đứa con nhỏ như chị Huyền. Bà chỉ thắc mắc một điều, tại sao khi biết Tường có ý định ném xác nạn nhân, Hằng (vợ Tường) lại không khuyên chồng, mà ngược lại "tiếp tay" cho hắn ta làm chuyện động trời.
Nhưng sau tất cả, bà Hiền chỉ nói với Hằng hãy yên tâm sinh sống. Sẽ không có chuyện gia đình bà "báo thù" hay làm chuyện gì không hay ảnh hưởng đến mẹ và 2 con của Tường.
"Ngay trong đêm nhận tin xác Huyền bị ném xuống sông Hồng, tôi có đi qua nhà Tường nhưng không vào trong. Tôi thấy 2 đứa con nhỏ của anh ta, chúng còn bé. Tôi cũng từng 4 lần về quê Tường ở Hà Nam để tìm con gái, và tôi cũng chưa một lần bước vào trong. Tôi không muốn tạo áp lực cho gia đình họ, họ không hề có lỗi, họ cũng rất đau khổ trước hành động của Tường".
Do điều kiện kinh tế khó khăn không thể bù đắp cho hai cháu, một mình anh Huy phải lặn lội "gà trống nuôi con". Ngày xưa có vất vả đến nhường nào thì dẫu sao vẫn có vợ có chồng. Thương con rể và 2 cháu, bà Hiền từng nói với con: "Thôi con xem thế nào, hay đi bước nữa? Con còn trẻ, cũng cần có người sẻ chia".
Đáp lại mẹ, anh Huy chỉ vỏn vẹn: "Con chưa nghĩ đến việc ấy".
Ước mong lớn nhất hiện nay của vợ chồng bà Hiền, là nhìn 2 con trai chị Huyền trưởng thành, lớn khôn và cố sống tốt thay phần đời còn lại của mẹ chúng. Gần 80 tuổi, gần đất xa trời, nhưng nghĩ đến con gái ra đi khi chưa tròn 40, có cái gì đó khiến bà Hiền nghẹn ứ ở cổ họng.
5 năm - gần 2000 ngày kể từ khi vụ án chấn động được đưa ra ánh sáng, nhưng nỗi ám ảnh và day dứt đối với người ở lại sao mà vương vấn mãi. Vẫn có những đêm bà Hiền khóc và mơ về hình ảnh con mình. Vẫn có những ngày bà thẫn thờ đi lạc nơi cầu Thanh Trì tìm lại kí ức. Vẫn có những năm tháng, sau này, dù 10 năm hay 20 năm nữa, câu chuyện về một người phụ nữ phải chết oan ức khiến chúng ta khôn nguôi quên được.
Dù đầu buổi trò chuyện bà Hiền khẳng định sẽ không nhớ lại bất cứ hồi ức đau thương nào. Nhưng chính bà là người dẫn chuyện, tự mình kể lại rõ ràng quãng thời gian đớn đau kia. Ra về, chia tay chúng tôi, bà Hiền nở một nụ cười thanh thản, như trút bỏ được gánh nặng sau hơn 5 năm qua.
Bà hẹn, "Ngày sau nếu có gặp lại, chúng ta đừng nói về chuyện này nữa nhé".
Minh Nhân - Ngọc Thắng