Là một cặp bài trùng trong kinh doanh, anh em Trần gia đã chèo lái Kinh Đô trở thành một thương hiệu tiếng tăm trên thị trường Việt Nam.
Bước chuyển mình của Kinh Đô
Khi nói về bánh kẹo nội địa, không thể không nhắc tới Công ty cổ phần Kinh Đô. Là cái tên đã quá quen thuộc trong thị trường nội địa, Kinh Đô nổi lên trong ngành thực phẩm bánh kẹo. Vậy nhưng năm 2014, có lẽ là năm đáng nhớ nhất trong bước chuyển mình của Công ty cổ phần Kinh Đô. Sau 21 năm tập trung chủ yếu vào mảng bánh kẹo, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng nhất đang bước chân sang các lĩnh vực mới: mì gói, dầu ăn và cà phê.
Chèo lái con thuyền Kinh Đô từ những năm tháng đầu tiên đến được vị thế như hiện nay là công của Trần gia. Sự quen thuộc của gia đình họ Trần ở vị thế áp đảo trong HĐQT Kinh Đô, với 5/9 người. Và không ai không biết đến tên tuổi 2 anh em Trần Kim Thành và Trần Lê Nguyên với 2 chức vụ cao nhất nhì, duy trì liên tục hơn 2 thập kỷ qua tại đế chế Kinh Đô.
Người anh cả của gia đình là ông Trần Kim Thành, giữ cương vị Chủ tịch HĐQT công ty, người em trai là ông Trần Lê Nguyên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO). Trong đó các thành viên HĐQT cũng bao gồm các thành viên của Trần gia, em trai là ông Trần Quốc Nguyên cùng vợ ông Trần Kim Thành- bà Vương Bửu Linh và vợ ông Trần Lê Nguyên- và Vương Ngọc Xiềm.
Trước khi những thông tin về biến động mạnh mẽ của Công ty Kinh Đô được công bố, về sở hữu ông Trần Kim Thành thông qua Công ty MTV PPK (sỏ hữu 100% vốn) nắm giữ gần 11% cổ phần KDC và là người điều hành Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, ông Thành nắm 8,8% cổ phần KDC.
Cùng nắm một tỷ lệ cổ phần xấp xỉ anh trai là ông Trần Lê Nguyên. Còn các cổ đông trong nước không liên quan khác chỉ nắm giữ tổng cộng khoảng 7% và còn lại là khối ngoại như : Deutsche Bank, Ezaki Glico, Dempsey Hill Asia Master Fund, VOF, Vietnam Investment Property Holdings.
Các thành viên trong Trần gia đều nắm giữ trong tay tỷ lệ cổ phần lớn |
Thông tin mới nhất về cổ phiếu của công ty Kinh Đô cho biết, ngày 8/6/2015, các mã chứng khoán trên sàn có sự biến động khá nhỏ, mức tăng/giảm điểm thấp.
Trong số 15 mã tăng giá thì mạnh nhất là mã KDC của công ty cổ phần Kinh Đô. Kết thúc phiên giao dịch KDC tăng thêm 1.100 đồng/ cổ phiếu, tương đương với mức tăng 2,8%, lên đến 41.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, anh em nhà họ Trần đang nắm hơn 25 triệu cổ phần KDC. Với việc tăng giá cổ phiếu này, đại gia đình họ Trần đã thu về hơn 25 tỷ đồng chỉ trong mấy giờ đồng hồ giao dịch.
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển mình của công ty, tại đại hội cổ đông bất thường cuối năm 2014, Kinh Đô đã thông qua việc bán 80% mảng kinh doanh truyền thông của tập đoàn, 20% còn lại sẽ được bán trong vòng 12 tháng tới cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là quyết định cho việc Kinh Đô sẽ rút khỏi thị trường bánh kẹo sau hơn 21 năm hoạt động. Mới đây nhát là việc Kinh Đô ký kết hợp tác liên doanh với Saigon Vewong – một công ty Đài Loan chuyên sản xuất thực phẩm.
Để lấn sân sang những lĩnh vực này, không chỉ bắt tay hợp tác với Vewong mà Kinh Đô cũng đã hợp tác cùng Vocarimex và PhilDeli. Khẳng định cho tham vọng lớn của mình, ông Trần Kim Thành- Chủ tịch HĐQT Kinh Đô đã nói với các cổ đông trong đại hội cổ đông Kinh Đô tổ chức cuối tháng 6/2014 “Kinh Đô không tham gia thì thôi, nhưng đã bước chân vào ngành là sẽ phải ở lại top 3”.
Chiếm lĩnh thị trường
Nhớ lại những ngày đầu của Kinh Đô. Lúc ấy, ông Trần Kim Thành sinh năm 1960 và ông Trần Lê Nguyên kém anh trai 8 tuổi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng.
Năm 1993, với số vốn vay mượn và tích lũy vài chục cây vàng hai anh em Trần gia mở một cơ sở sản xuất nhỏ từ ý tưởng đơn giản là sản xuất ra bánh snack “Made in Vietnam” thay thế cho các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Thái Lan đang làm mưa làm gió trên thị trường thời gian ấy.
Tuy nhiên, nhờ vào tài kinh doanh khéo léo của hai anh em gốc Hoa cộng với sự quyết đoán, mạnh dạn đổi mới công nghệ, từ cơ sở sản xuât nhỏ Kinh Đô đã mau chóng vươn lên vượt ra khỏi quy mô nhỏ lẻ gia đình.
Năm 1996, một nhà máy mới mọc lên với các công nghệ tiên tiến, dây chuyền công nghiệp được nhập khẩu. Từ đó, Kinh Đô mau chóng vươn lên chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo nội địa với những sản phẩm đột phá, đưa lại Doanh thu lợi nhuận lớn cho công ty. Những sản phẩm đáng chú ý của Kinh Đô là sự đánh dấu bước trưởng thành của công ty, năm 1996 tung ra thị trường sản phẩm bánh cookies, năm 1997 tung ra sản phẩm bánh tươi sản xuất trên dây chuyền công nghiệp nâng thời hạn bảo quan và sử dụng lên. Năm 1998, tung ra thị trường sản phẩm bánh Trung thu truyền thống áp dụng công nghệ dây chuyền hiện đại, sản phẩm được phân phối trên toàn quốc, mở rộng thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô.
Một tiếng vang lớn ở thị trường nội địa của Kinh Đô là vào năm 2003, công ty này quyết định mua lại kem Wall’s từ tập đoàn Unilever. Với cặp doanh nhân họ Trần, thương vụ này mang bước ngoặt lịch sử giúp công ty mở rộng ngành hàng lạnh. Thương vụ này cón đi vào lịch sử thị trường nhượng quyền Việt Nam khi trở thành thương vụ đầu tiên một công ty nội địa mua lại một thương hiệu quốc tế và thành công.
Song song đó, là một cặp doanh nhân khá cởi mở với các sản phẩm tài chính cấp cao, nên ngay từ những ngày đầu sơ khai của thị trường chứng khoán Việt Nam Kinh Đô đã là công ty tư nhân đầu tiên có tên niêm yết trên sàn chứng khoán. Ông Trần Lê Nguyên nhớ lại, năm 2000 ông có dịp tham quan sàn giao dịch NASDAQ và nhận ra muốn vượt ra khỏi quy mô gia đình thì phải huy động vốn và thay đổi phương thức quản trị thông qua con đường niêm yết tạo thanh khoản cho cổ phiếu.
Nhận xét về anh em họ Trần, ông Mai Hữu Tín nguyên Chủ tịch Hội daonh nhân trẻ Việt Nam nói : “Tôi cho rằng, hai anh em Thành và Nguyên đã tạo ra được một cặp đôi hoàn hảo tại Kinh Đô. Họ bổ khuyết cho nhau, bọc lót cho nhau rất ăn ý và tạo dựng được một tên tuổi mà những người anh em khác trong các công ty lớn tại Việt Nam khó lòng theo được. Tôi tin họ sẽ còn thành công lớn hơn nữa trong tương lai gần.”
Sau khi niêm yết tên công ty trên sàn chứng khoán, Kinh Đô đón thêm nhiều cổ đông mới như VinaCapital, Citigroup Global,... Sau thời gian tăng trưởng nhanh chóng đó đến năm 2008 Kinh Đô vấp phải một khủng hoảng tài chính khi bị lỗ một khoản do trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ngoài ngành.
Để cứu vãn tình hình, giai đoạn 2008 – 2011 Kinh Đô bước vào giai đoạn tái cơ cấu, thoái vốn khỏi hầu hết các dự án bất động sản và các khoản đầu tư không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh bánh kẹo, và tập trung hợp tác với đối tác cùng ngành như Ezaki Glico (Nhật Bản).
Nhờ tăng trưởng với tốc độ nhanh trong nhiều nằm liên, khoảng 30%/năm mà dần dần hiện vốn hóa thị trường của Kinh Đô đạt gần 750 triệu USD. Vậy tính ra với doanh số 3.000 tỷ đồng và mức tăng trưởng 30% thì doanh số hằng năm vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nhưng trước tình hình “miếng bánh” ở thị trường bánh kẹo nội địa đang ngày càng thu hẹp lại khi có quá nhiều công ty cùng “xâu xé”, thì việc trở lại doanh số như trước chỉ còn cách liên kết mở rộng ngành hàng. Đấy chính là lý do mà Công ty cổ phần Kinh Đô đang dần thu hẹp thị trường bánh kẹo của mình lại, để mở rộng sang các thị trường có tiềm năng lớn hơn.
Đây là một nước cờ được tính toán rất kỹ của hai anh em Trần Kim Thành và Trần Lê Nguyên. Với những lợi thế có sẵn về thương hiệu, Kinh Đô còn có nhiều điều kiện để thực hiện bước chuyển mình này.
Hoài An (Tổng hợp)