Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được trực tiếp một chùm sóng lạ phát đi từ ngoài hành tinh, cách Trái đất khoảng 5,5 tỉ năm ánh sáng.
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, các nhà khoa học thuộc Hiệp hội thiên văn Hoàng gia đã nhận được một tín hiệu năng lượng dưới dạng sóng vô tuyến. Tuy chỉ diễn ra trong một phần nghìn giây nhưng tín hiệu này mang lại những hi vọng cực lớn cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Tin tức trên Yahoo News hôm 20/1 cho biết, một nhóm nhà khoa học Úc đã trở thành những người đầu tiên bắt được tín hiệu vô tuyến ngoài hành tinh khi nó bay sượt trong không gian.
Lần đầu tiên bắt được tín hiệu ngoài hành tinh. Ảnh minh họa: Internet
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Swinburne ở Melbourne tin rằng thành tựu này sẽ giúp các nhà thiên văn hiểu được các hiện tượng vũ trụ mà còn khiến giới khoa học bối rối.
Tiến sĩ Emily Petroff, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói với News Corp rằng tín hiệu trên chỉ kéo dài trong khoảng thời gian rất ngắn, như một cái chớp mắt. Điều này đã khiến phát hiện trở nên rất thú vị.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thu được chùm sóng này trong thời gian thực. Trước đây, những chùm sóng đó thường được phát hiện sau vài tuần, vài tháng, thậm chí là hơn một thập kỷ sau khi chúng diễn ra”, Tiến sĩ Emily Petroff cho biết.
Tiến sĩ Emily Petroff, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Đại học Swinburne ở Melbourne |
Các nhà khoa học cho biết, nguồn gốc của tín hiệu trên vẫn chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia tin rằng nó có quy mô rất lớn như một cơn hồng thủy và ở cách khoảng 5,5 tỉ năm ánh sáng.
Tín hiệu trên được thu thập bởi trạm quan sát Parkes Telescope ở New South Wales. Ngay sau khi kính thiên văn Parkes bắt được chùm sóng, cả đội đã nhanh chóng vào cuộc với sự tham gia của 12 kính thiên văn trên khắp thế giới và cả ở trên vũ trụ để phát hiện và phân tích nó. Tuy nhiên họ không phát hiện thêm bất cứ tia quang học, hồng ngoại, cực tim hay tia X nào đồng hành cùng chùm sóng này.
Tiến sĩ Mansi Kasliwal, thành viên của đội nghiên cứu cho biết: "Điều đó đã loại trừ các khả năng như đó là chùm tia gamma dài hay là chùm sóng phát ra từ một vụ nổ siêu tân tinh. Tuy nhiên vẫn có thể đây là chùm tia gamma năng lượng thấp phát ra từ các sao nơ-tron ở khoảng cách cực xa".
Tờ New Scientist cho rằng đó có thể là tiếng động phát ra từ một ngôi sao phát nổ.
Petroff cho rằng có hai cách lý giải cho hiện tượng này. Nó có thể được tạo ra bởi một vụ nổ của một ngôi sao trong một thiên hà khác, hoặc có thể là năng lượng phát ra từ một ngôi sao neutron.
Các nhà khoa học cho biết việc xác định nguồn gốc của chùm sóng radio trên giờ đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Tiến sĩ Petroff tuyên bố: "Chúng tôi đã thiết lập các ‘bẫy sóng’, chỉ đợi thêm một chùm sóng nữa rơi vào bẫy mà thôi".
Trang Quỳnh (tổng hợp)