Người lao động cho biết, theo Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT để đảm bảo công bằng nghiêm túc của kỳ thi, theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát, trong đó thanh tra là lực lượng nòng cốt.

Điểm mới trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay là mỗi Hội đồng thi có 2 cán bộ thanh tra do Giám đốc Sở GD-ĐT trưng tập (1 của địa phương, 1 của trường đại học phối hợp). Như vậy cả nước có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi.

 

VOV cho biết, bên cạnh thanh tra cắm chốt, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Ở các khu vực khó khăn hoặc nơi nào phát sinh vấn đề, thanh tra lưu động sẵn sàng đến hỗ trợ thanh tra cắm chốt.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo phải thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi để kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, xác định thanh tra là hoạt động quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn cho 63 Sở Giáo dục và Đào tạo về nghiệp vụ thanh tra thể các cán bộ thanh tra cắm chốt và thanh tra lưu động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

"4.000 cán bộ thanh tra thi đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao", ông Nguyễn Huy Bắng cho biết.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thanh tra Bộ đã tổ chức nhiều đoàn làm việc trực tiếp tại địa phương để kịp nắm bắt tình hình, kịp thời có những chỉ đạo trực tiếp và chỉ đạo chung thống nhất trong toàn quốc. Các đoàn thanh tra của Bộ sẽ thực hiện nhiệm vụ ở cả 3 khâu là chuẩn bị thi, coi thi và chấm thi.

Trang Vũ (tổng hợp)