Ngày 8/10/2014, người yêu thiên văn tại Việt Nam và một số nước trên thế giới được chiêm ngưỡng hiện tượng nguyệt thực toàn phần (hay trăng máu).
Sau đó, một bức ảnh ghi lại khoảng khắc trăng máu được lan truyền trên mạng. Bức ảnh này nhanh chóng gây xôn xao trong Cộng đồng mạng và người yêu thiên văn.
Bức ảnh gây xôn xao.
Sau đó, anh Du Chí Hùng, tác giả của bức ảnh chụp hiện tượng Nguyệt thực được chia sẻ nhiều trên Facebook, đây là tấm ảnh được ghép từ nhiều tấm ảnh chụp trăng khác nhau. Mỗi ảnh trăng được chụp riêng bằng ống kính tiêu cự lớn, sau đó lồng ghép vào cùng một bối cảnh.
Anh Hùng cũng đăng tải cách thức để chụp được những tấm hình tương tự nếu xem nguyệt thực toàn phần. Ngày 4/4 tới đây, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra. Người yêu thiên văn sẽ có thể quan sát hiện tượng này. Và phần hướng dẫn của anh Hùng sẽ hữu ích cho những ai muốn lưu giữ lại những hình ảnh đẹp về trăng máu.
1. Giải đáp thắc mắc:
- Đây là tấm ảnh ghép từ nhiều tấm ảnh được chụp.
- Tính khoa học: không được tính đến vì mình chỉ chọn hình nền nhẹ nhàng để làm nổi bật các chu kỳ nguyệt thực, cũng như quá trình đổi màu diễn ra. Bạn nào muốn có luôn tính khoa học (về thiên văn) thì có thể tham gia trao đổi ở Group Nhiếp Ảnh Thiên Văn, và tự làm cho mình 1 tấm ảnh như ý muốn.
- Thật hay giả: Tất cả là hình chụp thật, thay vì post vài chục tấm chỉ trăng không thì mình thấy nó nhàm chán, nên mình gom vô một tấm theo sở thích.
2. Bước chuẩn bị để thực hiện:
- Do mình đam mê chụp thiên văn, nên đã biết trước lịch xảy ra hiện tượng này và chuẩn bị để thực hiện. Đây là các mốc thời gian diễn ra theo giờ Việt Nam, mình cũng thông báo cho các bạn trong Group ở các múi giờ khác.
Tuy nhiên, thời tiết rất quan trọng cho thể loại này. Mình tham khảo Dự báo thời tiết các nơi thì thấy ở Nam Bộ khó mà có cơ hội chụp được, từ Phú Yên, Quy Nhơn ra đến Đà Nẵng thì có khả năng, bỏ qua miền Bắc vì di chuyển xa quá.
3. Cách thức chụp:
- Tiền cảnh: Góc rộng hay normal hay hẹp tùy bạn chọn. Các bạn cứ chụp như 1 tấm ảnh bình thường lúc mặt trời vừa tắt nắng mà bạn thích, chụp sau hay chụp trước không quan trọng. Đúng hướng hay không do bạn quyết định. Với mình thì trăng là yếu tố chính của tấm hình, nên mình chú trọng vào nó nhiều hơn.
- Chụp trăng: Tele, khuyến cáo từ 200 mm, không cần khẩu to.... luôn theo dõi thời gian khi chụp trăng để biết các pha: bắt đầu, quá nửa, sắp toàn phần- toàn phần- bắt đầu hết toàn phần và chấm dứt.
+ Bắt đầu: Chụp thong thả, vì mặt trăng chỉ tối dần chứ chưa chuyển màu.
+ Quá nửa: Bắt đầu theo dõi và chụp thường xuyên hơn để ghi lại quá trình trăng chuẩn bị đổi màu.
+ Sắp toàn phần- toàn phần- bắt đầu hết toàn phần: Đây là thời điểm quan trọng nhất, hầu như mắt không rời khỏi máy vì: ánh sáng yếu, phải chụp ở tốc chậm, nên phải có tripod, chưa kể có thể có mây che làm trầm trọng hơn. Không thể chụp quá tốc 2 giây vì trăng di chuyển rất nhanh, hình nhòe.
+ Giai đoạn kết thúc: Chụp như lúc bắt đầu.
Video: Xem hiện tượng trăng máu
4. Ghép ảnh
- Chọn các ảnh tiêu biểu, chất lượng tốt cho từng pha như trên. Chỉnh WB theo daylight (vì mặt trăng do ánh sáng mặt trời chiếu), bạn sẽ thấy hiện tượng đổi màu trăng mà không cần chỉnh gì thêm.
- Bố trí vị trí trăng theo sở thích, mình chọn hình vòng cung để bắt từ bờ Tây sang bờ Đông sông Hàn.
- Thêm file ảnh tiền cảnh với kích cỡ phù hợp.
- Xử lý giảm noise, sharpen, contrast, color... theo ý muốn. Mình sử dụng Layer Blending để ghép, mode Lighten.
Đây là cách mình học và làm theo, có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, các bạn tham khảo thêm".
Theo Du Chí Hùng/Nhiếp ảnh Thiên văn