Nằm trên Quốc lộ 14, cung đường qua địa bàn xã Tiến Hưng dài chưa đến ba cây số nhưng có gần chục quán cà phê trá hình ngày đêm hoạt động gây cảnh bát nháo và nhiều tệ nạn.
Mọc nhan nhản
Tuy không nằm ở trung tâm thị xã nhưng hàng ngày, đoạn đường có lượng lớn phương tiện qua lại, nhất là xe container, xe tải. Quán xá ở đây xập xệ, phía trước buộc những chiếc võng nhàu nát, đặt vài chiếc bàn cũ kỹ; phía sau là những căn chòi lá tuềnh toàng, dột nát, rộng cỡ chục mét vuông, mái phủ sát mặt đất.
Khác với nhiều quán cà phê trá hình ở Bình Dương, TP.HCM, nhân viên ở đây mặc khá kín đáo, nhìn từ ngoài. Theo chân Thành - một thổ địa ở Đồng Xoài, chúng tôi vào quán A.T. Ba cô gái ngồi vắt chéo chân lên ghế bố vội đứng dậy mời chào.
Nhân viên mồi chài khách “đi tới... z”. |
Quán rộng hơn 200m2 nhưng chỉ để vài chiếc bàn cũ, hơn chục chiếc võng cáu bẩn, có cái rách bươm. Chưa kịp ngồi xuống võng, chúng tôi bị hai cô gái sáp lại làm như quen: “Lâu quá không thấy mấy anh ghé, nhớ hai anh quá à”. Một cô đề nghị: “Vào trong chòi ngồi tâm sự cho kín đi anh”. Dứt lời, cô dẫn chúng tôi vào căn chòi tù mù phía sau.
Ngoài trời nắng chang chang nhưng vừa bước vào chòi, chúng tôi suýt dội ngược trở ra bởi mùi ẩm mốc, tanh tưởi nồng nặc. Chưa kịp ngồi xuống ghế, cô đề nghị: “Anh cho em chai nước nha?”. Chúng tôi đồng ý làm cô gái vui ra mặt. Vừa mở chai nước, cô nhân viên nhảy tót lên đùi khách ẻo lả: “Đi massage xả stress tí đi anh!”. Chúng tôi thắc mắc: “Quán cà phê làm gì có massage”. Cô đáp: “Cà phê hai trong một. Giải khát và giải quyết chuyện ấy. Đi vui vẻ tí, bảo đảm hai anh phê liền”. Cô cho biết: “Massage 120.000 đồng/lần, bao nước; ôm bình thường 20 phút, giá 50.000 đồng”. Chúng tôi nói “không có nhu cầu” thì cô gạ gẫm: “Hay vào nhà nghỉ làm cuốc tàu nhanh?”. Vừa chèo kéo, cô vừa cho biết giá cả: “Đi tàu nhanh, tùy theo đào có giá 300.000 đồng đến 400.000 đồng/lần. Một giờ giá 500.000 đồng đến 600.000 đồng, tụi em bao nhà nghỉ”. Thành nói “không có nhu cầu”, mặt cô gái buồn so.
Ngồi chừng nửa giờ, chúng tôi gọi tính tiền. Ngoài 20.000 đồng cho ly cà phê nhạt thếch, chúng tôi còn bị chém 150.000 đồng hai chai nước và phí ngồi nói chuyện của hai cô tiếp viên. Cách quán A.T không xa, quán N.N, B.B... cũng có kiểu kinh doanh tương tự.
Cần sớm dẹp bỏ
Phần lớn các quán tuyển nhiều nhân viên trẻ đẹp, đa số các cô là người ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ. Khách đến quán đủ mọi thành phần, từ nam công nhân, anh nông dân, người lao động phổ thông xa nhà đến cánh tài xế đường dài hay những người ham của lạ. Nói là uống cà phê, nước ngọt nhưng họ đến đây chủ yếu để mua vui. Mỗi lần massage hay ngồi với khách, tiếp viên phải nộp cho chủ từ 20 đến 30%.
Về thu nhập hàng tháng, Như - có gần hai năm làm nhân viên ở quán A.T cho biết: “Thất thường lắm, khách chỉ đông vào thứ bảy, chủ nhật hay mỗi kỳ lãnh lương. Phần lớn tụi em chỉ được chủ cho ăn, ở, thu nhập nhờ tiền bo của khách. Cô nào mới vào làm từ hai tháng trở lại thì mỗi lần đi khách, họ kiếm từ một đến hai triệu đồng/lần, sau hai tháng thì giảm dần. Nếu đi khách, tụi em phải nộp cho chủ từ 40% đến 50%, còn lại chẳng được bao nhiêu”.Cuộc sống của họ lắm lúc bi đát, đôi khi phải giở trò móc túi để nuôi thân. Nhiều cô không biết giữ gìn đã chuốc lấy căn bệnh xã hội. Chúng tôi hỏi: “Làm thế này không sợ bị bắt sao?”, thì được trả lời: “Chủ quán bao hết rồi”.
Đoạn đường ngắn lại có gần chục quán hoạt động trá hình nên dễ hiểu vì sao mỗi khi có chiếc xe nào chầm chậm chạy qua khu vực này là các cô nhao nhao chèo kéo. Người dân sống gần các quán cà phê trá hình này phản ánh: “Các chòi này đã tồn tại từ lâu. Chuyện Đánh ghen, ẩu đả diễn ra như cơm bữa, nhưng chẳng hiểu sao cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm?”.
Theo Hà Văn - Song Ngọc (Công An TP HCM)