Mâm ngũ quả thường không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Việt. Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình đều cố gắng chọn mua những loại quả tươi ngon để bày trên ban thờ gia tiên. Tuy nhiên, bày mâm ngũ quả thế nào cho đẹp mắt và ý nghĩa của từng loại quả ra sao thì chưa hẳn tất cả mọi người đã biết.
Mâm ngũ quả gồm những gì?
Theo chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Văn Vịnh (Trưởng khoa Khoc học cơ bản, trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội), sở dĩ người ta bày mâm ngũ quả (5 loại quả) vào ngày Tết là tượng trưng cho thuyết ngũ hành (sự hoà hợp giữa vạn vật, trời đất và con người).
Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo 5 sắc màu đó để phối trí cho phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, ở mỗi một vùng miền, người ta lại có những cách bày biện mâm ngũ quả khác nhau.
Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả thường có 5 loại quả với 5 màu khác nhau, cụ thể là: chuối/táo màu xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm (sapôchê) hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen.
Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.
Nải chuối xanh bao giờ cũng phải chọn những nải có quả đều nhau, căng tròn cạnh, các quả xếp khít nhau, ôm khum khum. Chuối tượng trưng cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
Mâm ngũ quả bày trên ban thờ chỉ cần kiệm ước, sạch và tươi ngon (ảnh minh hoạ)
Trái đào tượng trưng cho sự thăng tiên, danh lợi. Táo có ý nghĩa thể hiện sự phú quý, lựu tượng trưng cho sự đông đủ, con cháu đầy nhà.
Trái bưởi căng mọng tượn trưng cho sự viên mãn, tốt đẹp. Còn quả hồng cầu mong sự tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt. Trái quất tượng trưng cho sự sung túc, tài lộc.
Có nhiều gia đình bày cả trái đu đủ để tượng trưng cho sự no đủ, sung túc, đủ đầy cho gia đình trong năm mới.
Tất cả những loại quả này đều trọng sự tươi ngon, mát lành, không hư hỏng.
Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh thường ít thiếu vắng trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ bày một số trái cây. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hay như trái lê đồng nghĩa với “lê lết”…
Mâm ngũ quả người miền Nam thường mâm ngũ quả thường là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung".
Ở miền Trung, người dân không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.
Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
Ông Vịnh cũng cho biết, mâm ngũ quả bày trên ban thờ không cần nhiều về số lượng. Tất cả chỉ cần kiệm ước, gọn gàng và sạch sẽ, vậy là đủ.
Quả độc, đắt tiền mới nhiều "lộc"?
Với công nghệ trồng, ghép cây tiên tiến, ngày nay, không ít những loại quả có hình dáng độc và lạ được bày bán trên thị trường. Nhiều người đổ xô đi mua những loại quả lạ như bưởi hồ lô, bưởi thỏi vàng, dưa hấu thỏi vàng, khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ... về bày mâm ngũ quả ngày Tết những mong tổ tiên, ông bà chứng cho tấm lòng mà ban nhiều "lộc" cho con cháu.
Những loại quả này có giá không hề rẻ mà cao ngất ngưởng, chỉ phù hợp với túi tiền của những người chịu chơi.
Thế nhưng, theo T.S Nguyễn Văn Vịnh, việc cúng các loại hoa quả độc, lạ trong ngày Tết không thực sự cần thiết, bởi hoa quả đắt tiền, độc lạ không tạo ra một sự ứng nghiệm nào của thần linh hay ông bà tổ tiên như nhiều người vẫn nghĩ. Việc này lại rất tốn kém (bởi giá có thể lên đến tiền trăm, tiền triệu), hơn nữa, những người không có khả năng mua sắm những loại quả như thế sẽ có tâm lý thua thiệt.
Xem video: Tự cắm hoa trang trí ngày Tết đẹp và đơn giản
Thoa Nguyễn