Cua đỏ từ lâu đã trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đảo Christmas của Australia, khoảng tháng 10-11 hàng năm, những con đường nơi đây như nhuộm đỏ như một chiếc thảm vì cuộc di cư của loài cua này.
Christmas là một hòn đảo nhỏ của Australia nằm ở Ấn Độ Dương. Đảo này cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.600 km về phía tây bắc. Hàng năm cứ đến mùa mưa (tháng 10 và 11), hơn 50 triệu con cua đỏ trưởng thành bắt đầu di cư từ rừng về bờ biển để sinh sản.
Cua đỏ trưởng thành có kích thước to bằng bao diêm và bao bọc bởi lớp vỏ màu đỏ đậm. Thịt của loài cua này rất độc nhưng bản tính lại rất hiền lành nên người dân trên đảo Christmas chọn cách chung sống với chúng như bè bạn. Cua đỏ cư trú chủ yếu trong các hang hốc sâu trong rừng và ăn hoa quả rụng. Khi mùa mưa bắt đầu cũng là lúc mùa sinh sản của loài vật 8 chân 2 càng này tới. Cua đỏ đẻ trứng trên những vách đá sát bờ biển, những chú cua sơ sinh sau khi nở, may mắn sống sót và trưởng thành sẽ tự mình tìm cách quay về với rừng rậm.
Quãng đường chúng di cư khoảng 9 – 10km (tương đương với khoảng 18 ngày) từ rừng ra đến biển khiến nhiều con đã bị chết dọc đường. Trong chuyến hành trình sinh sản, có những đoạn cua đỏ phải vượt qua đường cái đông đúc xe qua lại.
Khi đến được bờ biển, cua đực sẽ đào hang và đánh dấu chủ quyền nơi trú ẩn. Sau đó khoảng 5 đến 7 ngày, cua cái sẽ đến và chúng bắt đầu giao phối. Lũ cua cái thường chọn thời điểm sáng sớm khi thủy triều lên để đẻ trứng. Theo các nhà nghiên cứu, con cái luôn chờ đến cuối tháng, khi mực nước biển giữa thủy triều lên và xuống ít có sự thay đổi nhất để bắt đầu di cư, nhằm mục đích tăng cơ hội sống sót cho trứng.
Trong thời gian cao điểm của đợt di cư, để bảo vệ cho loài giáp xác màu đỏ này, chính quyền đã cấm các phương tiện giao thông trong một thời gian ngắn, xây dựng hàng rào, đường hầm để giúp lũ cua định hướng đúng đường đi.
Hằng năm hòn đảo này thu hút rất nhiều khách du lịch đến đến chứng kiến khoảnh khắc thú vị này.
Người dân trên đảo Christmas rất yêu quý và tự hào vì cua đỏ, từ lâu chúng đã trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng đất thanh bình này.
Những hình ảnh người dân đã quá quen thuộc với những đợt di cư của loài cua đỏ
Dã Quỳ (Tổng hợp)